Giáo dục
Liên kết, phát triển STEM trong trường học
Chương trình giáo dục STEM diễn ra ở hầu hết các bậc học, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, để triển khai đúng tinh thần phương pháp giáo dục tích hợp thông qua thực hành, ứng dụng, các trường cần chủ động tăng cường liên kết, phát triển giữa các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học, doanh nghiệp và nhà trường.
Học sinh Trường THPT Sơn Trà tự lắp ráp mô hình nhờ trải nghiệm thực tế qua các giờ học STEM. Ảnh: NGỌC HÀ |
Học sinh, giáo viên hào hứng với STEM
Theo chương trình phối hợp giữa Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và Trường THPT Sơn Trà, năm học 2023-2024, gần 100 học sinh tham gia học tập theo phương pháp STEM. Trong 1 tháng, học sinh học 5 tiết lý thuyết và 25 tiết thực hành. Bằng cách kết hợp lý thuyết với thực hành, ứng dụng thực tế, học sinh được tiếp cận và áp dụng kiến thức STEM vào các dự án thực tế: năng lượng mặt trời, cảm biến điện từ, thiết kế robot đến nghiên cứu các ứng dụng công nghệ xanh cho cộng đồng. Trần Thị Kiều Vy, học sinh lớp 11/2 Trường THPT Sơn Trà chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được học tập, thực hành trên các thiết bị gắn liền với thực tế. Kết thúc khóa học, em cùng các bạn lắp ráp và vận hành được bộ máy cảm ứng”.
Tương tự, khi học về một số mạch điện điều khiển đơn giản có sử dụng các loại mô-đun cảm biến, khối học sinh lớp 8, Trường Tiểu học - THCS Đức Trí (quận Hải Châu) đã tự lắp đặt thiết bị cảnh báo độ ẩm cho cây trồng trong giờ học Công nghệ. Sau khi trải nghiệm lắp ráp mô hình trên phần mềm ảo, thiết bị cảnh báo độ ẩm cho cây trên thực tế đã nhanh chóng được hoàn thành. Ở mỗi chậu cây, thiết bị cảnh báo vang lên, đèn sáng khi độ ẩm cao…
Trong năm học này, giáo viên Trường THPT Trần Phú tham dự 2 đợt tập huấn về giáo dục STEM do Trường Đại học Bách khoa, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh thuộc Đại học Đà Nẵng tổ chức. Từ những trải nghiệm thực tế trong dạy học, các thầy cô giáo Trường THPT Trần Phú cùng với giảng viên Trường Đại học Bách khoa cùng thực hành xây dựng bài giảng, thiết kế và giảng dạy môn học STEM với phương pháp “học theo dự án”.
Theo thầy Phan Tiến Dậu, giáo viên Vật lý Trường THPT Trần Phú, các lớp tập huấn về giáo dục STEM giúp giáo viên hiểu sâu hơn về quy trình, cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các dự án STEM. Từ đó, trong nhiều bài học, giáo viên có thể gợi ý, liên hệ đến các vấn đề, hiện tượng trong cuộc sống để học sinh biết cách vận dụng các kiến thức vào thực tiễn. Ví dụ như, với bài chuyển động ném ngang hoặc ném xiên, giáo viên có thể liên hệ hiện tượng cầu rồng phun lửa hoặc biểu tượng cá chép phun nước. Học sinh có thể liên hệ để tìm hiểu những kiến thức vật lý liên quan đến bài học như phương ném, lập ra góc alpha.
Đẩy mạnh phối hợp
Hiện nay, giáo dục STEM ở các trường phổ biến nhất là STEM bài học. STEM dự án mới chỉ dừng lại ở một vài dự án khoa học, kỹ thuật của học sinh hoặc một hoạt động ngoại khóa ở quy mô từng khối lớp. Hơn nữa, các trường chưa đủ cơ sở vật chất, nguồn lực để giúp các em thực hành, ứng dụng những kiến thức trên sách vở.
Thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà chia sẻ, chương trình STEM không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn khuyến khích sự sáng tạo và tư duy phản biện. Đây là một bước quan trọng để chuẩn bị cho học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai. “Khi phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, đơn vị hỗ trợ và tư vấn chuyên môn, cung cấp tài liệu giáo trình và phần mềm liên quan đến STEM. Công ty Festo đồng hành trong việc cung cấp các công cụ, thiết bị để học sinh làm ra sản phẩm. Từ sự bắt tay của nhà trường và doanh nghiệp, chúng ta có thể chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng và kiến thức cần thiết để thành công trong tương lai, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội”, thầy Quảng nói.
TS. Đặng Đức Long, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh nhấn mạnh rằng, việc tổ chức các khóa tập huấn cho các trường chính là tiền đề để các nhà giáo thay đổi công cụ và phương pháp đào tạo giúp học sinh phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng cần tăng cường phối hợp tập huấn giáo dục STEM, tổ chức ngày hội STEM, tạo điều kiện cho học sinh các trường đến thực hành tại đơn vị.
NGỌC HÀ