Giáo dục

Chủ động định hướng thi tốt nghiệp THPT 2025

08:05, 31/10/2024 (GMT+7)

Nhiều trường THPT tổ chức khảo sát và cho học sinh lớp 12 đăng ký hai môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây sẽ là thông tin tham khảo để các trường chủ động trong xây dựng phương án tổ chức ôn tập, phụ đạo cho học sinh nhằm bảo đảm chất lượng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: NGỌC HÀ

Tư vấn, định hướng chọn môn học

Theo khảo sát của Trường THPT Ngô Quyền, số học sinh đăng ký dự thi môn tự chọn ở môn Vật lý là 147, tiếng Anh là 227, Địa lý là 127, Hóa học là 90, Lịch sử là 73 em; môn Công nghệ trồng trọt và Tin học có số lượng học sinh đăng ký thấp, lần lượt là 5 và 4. Thầy Đặng Công Vĩnh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, giáo viên các lớp tiếp tục tư vấn cho học sinh đăng ký môn lựa chọn và kết hợp các trường đại học, cao đẳng tư vấn tuyển sinh sớm cho các em. Đồng thời, triển khai cho các tổ chuyên môn biên soạn đề cương ôn tập thi THPT 2025 của riêng nhà trường. Bước tiếp theo, nhà trường dự kiến xếp lớp ôn tập theo nguyện vọng của các em, mỗi môn đăng ký dự thi sẽ học thêm 1-2 tiết trong học kỳ 2.

Tương tự, Trường THPT Sơn Trà năm nay có 424 học sinh lớp 12. Số học sinh đăng ký dự thi môn tự chọn phần đông ở môn Vật lý là 176, Tiếng Anh 234, Lịch sử 119, Địa lý 127, Hóa học 89. Thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà cho biết, việc khảo sát chọn môn chỉ mang tính chất tham khảo, học sinh còn có cơ hội để điều chỉnh lựa chọn cho đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, để chủ động định hướng, nhà trường tổ chức tư vấn cho học sinh, phụ huynh trong lựa chọn môn đăng ký; lưu ý cần gắn liền các môn nằm trong tổ hợp xét tuyển sinh đại học.

Trường THPT Phạm Phú Thứ cũng triển khai cho học sinh đăng ký 2 môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Sau khi tổng hợp, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy ôn tập, xếp lớp và cân đối bố trí giáo viên theo các bộ môn được chọn; các tổ chuyên môn tập trung xây dựng ngân hàng đề theo cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để học sinh làm quen với các dạng câu hỏi mới.

Cần thông tin phương án tuyển sinh sớm

Như Khánh (học sinh lớp 12/6 Trường THPT Hoàng Hoa Thám) chia sẻ, năm nay là năm đầu tiên áp dụng hình thức thi mới, gây ra nhiều sự bỡ ngỡ cho học sinh. Đối với việc lựa chọn 2 môn tự chọn, Khánh cho rằng phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều; cuối cùng dựa trên khả năng học tập và ngành học dự kiến xét tuyển đại học em đăng ký. “Việc học tốt, đều một số môn khoa học tự nhiên, Toán, Tiếng Anh, em lưỡng lự giữa chọn Toán - Lý - Hóa hay Toán - Lý - Anh, Toán - Hóa - Anh. Nhưng cuối cùng em quyết định chọn Toán - Lý - Hóa (Lý và Hóa là hai môn tự chọn). Nhưng đến nay, các trường đại học chưa có đề án tuyển sinh nên chúng em lưỡng lự khi lựa chọn khối ngành. Mong các trường công bố các đề án tuyển sinh để có sự lựa chọn thích hợp và chuẩn bị chu đáo cho quá trình đăng ký, nộp hồ sơ”, Khánh bày tỏ.

Hiện nay, các trường chủ động cập nhật các thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học để gửi cho giáo viên chủ nhiệm chuyển đến học sinh và phụ huynh tham khảo. Tuy nhiên, theo như nhận xét của thầy Bùi Minh Quảng, hiện có rất ít trường đại học công bố phương án tuyển sinh sớm. Trong khi đó, các trường công lập tốp đầu những năm gần đây đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét kết quả học bạ THPT. Vì vậy, so với các khóa trước thì học sinh lớp 12 năm nay khá bị động trong việc định hướng, lựa chọn môn thi và cả phương án xét tuyển sinh đại học.

“Dù năm 2025 dự báo công tác tuyển sinh sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng đến thời điểm này gần như học sinh chủ yếu lựa chọn những tổ hợp truyền thống để đăng ký vì có rất ít cơ sở giáo dục đại học công bố phương án tuyển sinh sớm”, thầy Quảng nhận xét.

Theo phân tích của nhiều giáo viên, dự kiến phương án tuyển sinh của các trường đại học năm 2025 có nhiều thay đổi. Theo thầy Lê Mạnh Tấn, giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám, trước đây, chỉ có 4 khối chính là A, B, C, D (D nhiều biến thể), sau này xuất hiện các tổ hợp thì khối A, B, C, D thành tổ hợp truyền thống. Có nghĩa là các tổ hợp môn sẽ thay đổi theo phương thức thi. Do đó, các trường đại học khả năng điều chỉnh tổ hợp môn, có thể sẽ lấy 1 - 2 môn làm môn gốc, môn còn lại sẽ được lựa chọn. Nếu vẫn giữ các tổ hợp môn như trước đây vừa hạn chế cho học sinh chọn, vừa khó cho các trường tuyển sinh. Cần có sự linh hoạt giữa các môn tổ hợp để tìm được điểm chung giữa thí sinh và trường đại học.

“Hiện nay giáo viên quan tâm theo dõi và tìm hiểu về những điểm mới trong công tác tuyển sinh của các trường đại học, đặc biệt là các trường tốp đầu để kịp thời có phương án dạy, ôn tập giúp các em có sẵn nền tảng kiến thức. Dù học sinh đăng ký hai môn tự chọn nhưng giáo viên các bộ môn đều phải bảo đảm chất lượng giảng dạy, giúp học sinh có kiến thức vững chắc; từ đó có nhiều lựa chọn hơn khi bước vào đăng ký các môn thi. Đây cũng là cơ hội để các em có thêm sự lựa chọn ngành học và chọn nghề trong tương lai. Khi học sinh chưa có phương án lựa chọn cuối cùng, việc bảo đảm nền tảng kiến thức ở các môn lựa chọn giúp các em không bị hụt hơi nếu phương án tuyển sinh của các trường khác với dự tính ban đầu của học sinh”, thầy Tấn chia sẻ.

NGỌC HÀ

.