Giáo dục
Điểm sáng chuyển đổi số giáo dục ở Hòa Vang
Năm học 2024-2025, các trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang đẩy mạnh triển khai thực hiện chuyển đổi số, góp phần nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học; rút ngắn khoảng cách giữa học sinh vùng ven và khu vực trung tâm.
Các lớp học của Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (huyện Hòa Vang) được trang bị máy tính, máy chiếu, thuận lợi trong triển khai hoạt động dạy học cho học sinh. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tiết học của cô và trò Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh sôi động hơn khi các em thuyết trình bài học thông qua máy chiếu. Không chỉ vậy, cô giáo tích hợp nhiều hình ảnh, video, âm thanh sống động trong thiết kế bài giảng vừa truyền tải kiến thức, vừa tạo hứng thú cho học sinh. Theo cô Lê Thị Vâng, Hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, 100% các lớp học của trường được hỗ trợ ti-vi hoặc máy chiếu, máy tính…
Ngay từ đầu năm, nhà trường xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào giảng dạy. Giáo án điện tử được xây dựng “chung” cho bộ môn, giáo viên sử dụng và thiết kế bài giảng riêng sao cho phù hợp. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý giáo dục rất thuận lợi, không rườm rà về mặt sổ sách. “Hiệu trưởng muốn kiểm tra giáo án của giáo viên chỉ cần gửi qua phần mềm, các văn bản chỉ đạo chỉ cần scan gửi qua nhóm zalo nội bộ kịp thời, nhanh chóng; phần mềm điểm số giúp giáo viên đỡ mất thời gian như trước đây”, cô Vâng nói.
Tương tự, Trường Tiểu học số 1 Hòa Sơn đặt mục tiêu năm học 2024-2025 là sử dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy, thiết kế các hoạt động giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của học sinh, khai thác các nguồn học liệu mới, học liệu mở phục vụ cho bài dạy của giáo viên một cách hiệu quả. Thầy Trần Đức An, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Những năm qua, nhà trường yêu cầu đội ngũ giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, tích cực học tập thông qua các lớp tập huấn, video bài giảng, ứng dụng phần mềm dạy học. Để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên được xem là yếu tố cốt lõi. Vì thế nhà trường tiếp tục chỉ đạo các thầy cô chủ động ứng dụng công nghệ vào dạy học nhằm tạo những giờ học chất lượng cho học sinh”.
Cô Phạm Thị Vân, Tổ trưởng tổ chuyên môn lớp 4, 5, Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương cho biết, với học sinh nhỏ thì độ quan sát trực quan rất tốt, vì vậy khi ứng dụng công nghệ, sử dụng thiết bị kích thích việc nhìn - nghe của các em. Điều này giúp học sinh khơi gợi trí tò mò, khả năng tưởng tượng, kích thích tư duy khám phá và từ đó dần hình thành niềm đam mê đối với bài học. Tuy vậy, theo cán bộ quản lý của các trường, việc chuyển đổi số vẫn gặp khó khăn nhất định. Cụ thể, các dữ liệu tham khảo số có nhiều nguồn khác nhau (sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng thi) nên nhà trường, thầy cô mất thời gian trong việc chọn lọc thiết kế bài học sao cho tối ưu nhất.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang, các trường học đã có sự thay đổi rõ nét về việc triển khai sử dụng các giải pháp kết nối, trao đổi thông tin trong công tác quản lý cũng như trong việc dạy và học. Trong 6 tháng đầu năm 2024, địa phương triển khai việc ký số học bạ, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục cho các trường tiểu học, THCS.
Đối các trường học sử dụng phần mềm quản lý điểm, quản lý trường học của các nhà cung cấp dịch vụ khác hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo mở rộng thì nhà trường rà soát, kiểm tra và chịu trách nhiệm kết quả đồng bộ dữ liệu; yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ đồng bộ chính xác, đầy đủ các thông tin để phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng, nhất là dữ liệu đủ để sinh ra học bạ, sổ theo dõi và đánh giá để ký số điện tử trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo mở rộng, dữ liệu phục vụ công tác xét tốt nghiệp, tuyển sinh đầu cấp.
Đến nay, 100% học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Hòa Vang đã có mã định danh cá nhân; 100% các trường tiểu học, THCS triển khai sổ điểm, sổ theo dõi và đánh giá điện tử, thí điểm học bạ điện tử; 100% trường tiểu học, THCS triển khai giải pháp kết nối, trao đổi thông tin với phụ huynh qua hình thức tin nhắn hoặc email, website, ứng dụng di động (zalo, messenger).
“Mục tiêu đến năm 2025, các hoạt động tương tác, trải nghiệm trực tuyến hỗ trợ hiệu quả cho giáo dục nhà trường đạt 10% thời lượng đối với giáo dục tiểu học, 20% đối với giáo dục THCS; 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; 70% các hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số, 70% hồ sơ giấy được cắt giảm”, ông Lê Văn Hoàng cho biết.
NGỌC HÀ