Giáo dục

Tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy và học

07:09, 26/12/2024 (GMT+7)

Trang thiết bị dạy học có vai trò quan trọng để thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, giúp hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đang thiếu trang thiết bị dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đòi hỏi nhà trường phải linh hoạt thích ứng.

Phong trào nghiên cứu, thiết kế sản phẩm STEM phục vụ dạy và học được đông đảo các trường trên địa bàn thành phố hưởng ứng thực hiện.  Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Phong trào nghiên cứu, thiết kế sản phẩm STEM phục vụ dạy và học được đông đảo các trường trên địa bàn thành phố hưởng ứng thực hiện. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Chủ động khắc phục

Năm học 2024-2025, cả nước triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa thể trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho mỗi khối lớp. Trước thực trạng này, các trường trên địa bàn linh hoạt thích ứng, chủ động khắc phục bằng nhiều giải pháp, cách làm hay để có thể tổ chức dạy học theo định hướng của chương trình.

Thầy Cáp Phi Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Tuấn (huyện Hòa Vang) cho hay, nhà trường tận dụng những trang thiết bị dạy học từ chương trình 2006, bởi chương trình giáo dục phổ thông 2018 là kế thừa và phát huy những điểm tích cực của chương trình cũ. Bên cạnh đó, giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm mô phỏng hay thí nghiệm ảo để giảng dạy cho học sinh.

Ngoài ra, nhà trường huy động nguồn lực từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp để mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Năm học 2024-2025, toàn bộ lớp học của trường đều đã được trang bị tivi, bảng tương tác. Đồng thời, trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện trang bị một phòng học tiếng Anh với thiết bị dạy học hiện đại, góp phần xây dựng môi trường học tập thông minh, tích cực.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (quận Cẩm Lệ) tận dụng các sản phẩm STEM như tranh, ảnh, các đồ dùng, mẫu vật để đáp ứng nhu cầu dạy học. Cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành cho khối 1 của trường đã đủ, khối 2, 3 cấp chưa đủ và khối 4, 5 đang thiếu.

Để tạm thời khắc phục tình trạng này, trường thường xuyên phát động giáo viên, học sinh tự làm đồ dùng học tập. Việc làm này được phụ huynh học sinh ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình. Cùng với đó, nhà trường khai thác cơ sở vật chất sẵn có để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, triển khai hiệu quả và bám sát định hướng đổi mới của chương trình. “Các thầy cô của trường nỗ lực ứng dụng công nghệ để xây dựng bài giảng điện tử sinh động, sáng tạo, bù đắp vào sự thiếu hụt của thiết bị dạy học, bảo đảm lượng kiến thức cho học sinh”, cô Yến chia sẻ.

Học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn (huyện Hòa Vang) trong giờ sinh hoạt CLB tại phòng tiếng Anh mới được đầu tư. Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn (huyện Hòa Vang) trong giờ sinh hoạt CLB tại phòng tiếng Anh mới được đầu tư. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Từng bước trang bị cho các trường

Việc thiếu thiết bị dạy học ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy học theo chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, các địa phương đang tích cực triển khai, đẩy nhanh tiến độ trang bị, cung cấp thiết bị dạy học cho các trường. Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang Phan Hữu Dũng cho biết, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đã tham mưu tờ trình về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thẩm định giá thiết bị cấp tiểu học và THCS giai đoạn 1.

Sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thẩm định giá sẽ tiến hành thương thảo hợp đồng và thẩm định giá thiết bị, trình phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật điều chỉnh và thực hiện các bước tiếp theo. Trong khi chờ cấp thiết bị chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường chủ động nguồn kinh phí tự chủ để mua sắm các thiết bị dùng chung, rà soát các thiết bị đã có để sử dụng, ứng dụng thiết bị số để giảng dạy cho học sinh. Tháng 11-2024, huyện cũng đã trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mua sắm thiết bị cấp tiểu học và cấp THCS giai đoạn 2.

Tương tự, ở các quận Cẩm Lệ, Hải Châu, Sơn Trà cũng đang đẩy nhanh việc đấu thầu, mua sắm, cung cấp thiết bị dạy học để việc dạy, học của các nhà trường đáp ứng mục tiêu phát huy tối đa năng lực cơ sở vật chất và người học.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận, thời gian qua, sở và các phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện đồng loạt triển khai các nội dung bồi dưỡng theo các module của chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổ chức các chuyên đề dạy học theo hướng đổi mới; tập trung bồi dưỡng giáo viên giảng dạy các môn học, hoạt động giáo dục, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp THCS, nhằm bảo đảm được yêu cầu dạy học của chương trình.

“Thành phố có nhiều đầu tư đáng kể vào cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin. Từ những hỗ trợ, quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những bước tiến đáng khích lệ trong việc đáp ứng các yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả toàn diện, cần tiếp tục đầu tư vào đào tạo, cải thiện cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên và học sinh.”, bà Thuận nói.

KHÔI NGUYÊN

.