Giáo dục
Tìm giải pháp giữ chân giáo viên hợp đồng
Cùng vị trí việc làm là dạy học, cùng chức danh nghề nghiệp là giáo viên, nhưng khác với giáo viên biên chế, giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập bị thiệt thòi từ tiền lương, các chính sách phúc lợi, bảo hiểm xã hội, kể cả tính ổn định công việc.
Học sinh các trường mầm non trên địa bàn quận Hải Châu tham quan, học tập trải nghiệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5. Ảnh: PV. |
Năm học 2024-2025, việc tuyển dụng hợp đồng lao động giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP trên địa bàn thành phố theo kế hoạch là 720 chỉ tiêu. Kết quả số giáo viên tuyển dụng được là 699 (đạt 97%), còn 21 chỉ tiêu (chiếm 3%) chưa tuyển dụng được rơi vào một số môn như tin học, mỹ thuật, địa lý, lịch sử, thể dục.
Quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ là những địa phương có chỉ tiêu cao nhất, trên 150 người. Trong số 158 chỉ tiêu kế hoạch tuyển dụng năm học 2024-2025 tại quận Liên Chiểu, có 96 trường hợp tái ký hợp đồng được tuyển từ năm trước do bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu Nguyễn Thanh Lịch cho biết, nhờ công tác tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP mà Liên Chiểu cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên để dạy 2 buổi trên ngày tồn tại suốt nhiều năm qua.
Theo Sở Nội vụ, việc ký kết hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP đã kịp thời bổ sung thêm giáo viên cho các trường công lập trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh số lượng lớp, học sinh tại các trường tăng cao, quỹ số lượng người làm việc của thành phố đã không còn để bổ sung cho các trường và còn phải thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Trung ương.
Bên cạnh kết quả trên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Phú Nguyện cho rằng, việc ký kết hợp đồng lao động giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt. Trong giai đoạn tới, dự báo số lượng lớp, học sinh tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập tiếp tục tăng cao. Áp lực từ việc phải bảo đảm thực hiện mục tiêu kép “vừa giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách theo chủ trương của Bộ Chính trị, vừa bảo đảm bố trí giáo viên đứng lớp tăng thêm” là rất lớn.
“Việc bố trí bổ sung số lượng hợp đồng lao động giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP cũng chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài liên tục trong nhiều năm vì sẽ tạo ra những hệ quả không tích cực cho đội ngũ giáo viên, không an tâm trong công tác, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy”, ông Nguyện chia sẻ.
Theo Trưởng phòng Nội vụ quận Liên Chiểu Mai Thanh Quang, căn cứ quy định của Chính phủ cũng như hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể cả hợp đồng theo theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, thời gian nghỉ hè vẫn được hưởng nguyên lương.
Tuy nhiên, theo Công văn số 3042/UBND-PNV ngày 6-6-2024 của UBND thành phố về việc hợp đồng lao động thời gian nghỉ hè, UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện giao trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trực thuộc, căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, khối lượng công việc để quyết định việc chi trả lương, phụ cấp đối với giáo viên được hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Điều này gây khó khăn rất lớn cho hiệu trưởng các trường trong việc xác định khối lượng công việc để quyết định việc chi trả lương, phụ cấp hè đối với giáo viên.
Đến nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ trong hè để các trường có cơ sở thực hiện thống nhất, tránh trường hợp mỗi đơn vị thực hiện một cách khác nhau, hiểu vấn đề khác nhau dẫn đến không bảo đảm công bằng cho các giáo viên cùng là đối tượng hợp đồng lao động.
Hiện nay, lao động hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP được tính trong tổng số lượng người làm việc tại đơn vị, có tham gia công đoàn và các phong trào chung của đơn vị. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của đối tượng này được cấp vào nguồn kinh phí không thường xuyên của đơn vị, vì vậy, đơn vị không tự chủ trong việc chi trả các khoản khác ngoài lương đối với các đối tượng này.
Các ngày lễ, Tết, đơn vị chi phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, nhưng không thể chi phúc lợi đối với lao động hợp đồng. Kinh phí hoạt động được cấp cho đối tượng này, đơn vị cũng không thể sử dụng để chi bổ sung tăng thu nhập sau khi tiết kiệm chi. Việc chi trả phúc lợi, khen thưởng hỗ trợ khác và chi trả tăng thu nhập cuối năm cho hợp đồng theo NĐ 111/2022//NĐ-CP không thực hiện được. Vì vậy, gây tâm lý thiệt thòi, giảm động lực làm việc đối với lao động hợp đồng và khó khăn trong việc quyết toán kinh phí hoạt động mà đơn vị được cấp.
Ông Nguyễn Thanh Lịch xác nhận, hiện các trường ở Liên Chiểu, có trường linh động xác định khối lượng công việc dịp hè để chi trả cho giáo viên hợp đồng cũng như linh hoạt đóng đủ bảo hiểm cả năm như một chính sách nhân văn của nhà trường. Tuy nhiên, đấy là trường chỉ có từ 1-2 giáo viên dạng hợp đồng 111. Còn trường có số lượng giáo viên hợp đồng lớn (có trường có đến 21 người), không linh động được.
Theo ông Lê Phú Nguyện, để giải quyết căn cơ vấn đề trên, việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập là hết sức cần thiết. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (kinh phí đào tạo) trên một học sinh để thay đổi phương thức cấp phát ngân sách nhà nước theo biên chế, chuyển sang đặt hàng theo quy mô học sinh. Trên cơ sở đó hình thành cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo.
TRỌNG HUY