Ngày 4-9, Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp với đoàn khảo cổ Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật quần thể di tích Chăm ở Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.
Một số hiện vật thu được tại đợt khai quật. |
Sau hơn hai tháng tiến hành khai quật trên diện tích gần 200m2, đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật, cứ liệu lịch sử quan trọng. Theo phán đoán của những người có chuyên môn, nơi đây vốn là một quần thể di tích rộng lớn, một trung tâm tôn giáo quan trọng của người Chămpa trước đây.
Phát hiện nhiều hiện vật giá trị
Báo cáo khai quật khảo cổ cho thấy, với 4 hố khai quật đã xuất lộ gần như hoàn toàn nền móng một tháp lớn có bình đồ hình chữ nhật, chiều dài hơn 8m và chiều rộng gần 7m. Đã thấy rõ tháp có một cửa quay về hướng Tây với bậc tam cấp làm bằng đá nguyên khối, kích thước lớn, hai bên bậc tam cấp có trang trí nổi hình thủy quái Makara. Đây là bậc tam cấp bằng đá nguyên khối lớn nhất và duy nhất được biết tới từ trước đến nay trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa phát hiện được. Ba tháp còn lại mới phát lộ một phần. Hiện đoàn khai quật chưa phát hiện được tường bao khu di tích nên chưa thể xác định diện tích chính xác của toàn thể khu di tích, ước tính ban đầu có thể khoảng vài hecta.
Những hiện vật được thu thập hầu hết đều nằm lẫn giữa những lớp gạch đổ vỡ vụn và xáo trộn. Đáng kể nhất là 21 hiện vật bằng sa thạch, gồm một bậc tam cấp có hoa văn hình thủy quái, một đầu tượng thần Siva, 2 đầu tượng người cầu nguyện, 2 chóp tháp góc, 10 vật trang trí góc, một đế bệ thờ có kích thước lớn, 3 tảng đá kê đế bệ thờ và một mảnh bàn tay tượng. Ngoài ra, đoàn khảo cổ còn thu được 29 viên và mảnh gạch có điêu khắc trang trí, 14 viên gạch không có hoa văn trang trí, nhiều mảnh ngói âm dương và ngói móc Chămpa, nhiều mảnh gốm với nguồn gốc và niên đại khác nhau… tại các hố khai quật. Tất cả sẽ được đưa về Bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.
Theo ông Nguyễn Chiều, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, phụ trách đoàn khai quật, điều đặc biệt là trong quá trình khai quật đã phát hiện hiện tượng tái sử dụng gạch trang trí của công trình kiến trúc đổ vỡ để xây dựng lại các tháp. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc các viên gạch có điêu khắc được trang trí xây xen kẽ, không có quy luật với các viên gạch không có điêu khắc.
Hiện tượng độc đáo này có thể gợi mở tư duy nghiên cứu về niên đại và phong cách nghệ thuật của di tích Chămpa ở Quá Giáng. Nếu chỉ căn cứ vào các tác phẩm điêu khắc bằng đá hoặc mô-tip hoa văn trên gạch được phát hiện thì có thể kết luận khu di tích có niên đại từ cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X. Còn các nền móng tháp mới có tái sử dụng gạch hoa văn thì chưa thể xác định được chính xác niên đại. Theo phán đoán ban đầu, có thể chậm hơn từ 300-500 năm so với nền móng tháp cũ.
Cần phương án bảo vệ di tích
Mặc dù đợt khai quật chưa thực hiện được trên toàn bộ tổng thể khu di tích, nhưng kết quả khảo sát và khai quật bước đầu này gợi mở, định hướng những bước nghiên cứu tiếp theo tại Quá Giáng. Với việc phát hiện các tượng thần Đấng tự tại - Isana, Thần Sấm sét - Indra, thần Lửa - Agni, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết: liệu tại di tích Quá Giáng từng tồn tại một tổ hợp đền tháp các vị thần phương hướng như tháp A tại di tích Mỹ Sơn. Không những thế, với số lượng lớn hiện vật đầu tượng thu được tại đây, các hiện vật đá nguyên khối lớn đã đặt ra dấu hỏi lớn về quy mô, vị trí của di tích Chămpa Quá Giáng trong sự tồn tại và phát triển của di tích Chămpa tại Đà Nẵng.
Khu di tích vừa khai quật ở Quá Giáng cách quốc lộ 1 khoảng 500m về phía Tây, cách khu di tích Chămpa Phong Lệ 5km về phía Nam Đông Nam, cách di tích Khuê Trung 6km về phía Tây Tây Nam, cách phế tích tháp Cấm Mít 9km về phía Đông Đông Nam theo đường chim bay và nằm gần ngã ba sông Quá Giáng - sông Cái, chứng tỏ nơi đây từng là địa bàn sinh sống đông đúc của cư dân Chămpa xưa kia họ mới xây được những trung tâm tôn giáo lớn, có mối liên hệ gần gũi, mật thiết với nhau như vậy.
Vấn đề được đặt ra tại buổi báo cáo, ngoài việc khó mở rộng diện tích khai quật do vướng các vấn đề dân sinh, giải tỏa đền bù; thiếu kinh phí khảo cổ, nghiên cứu…, điều khiến nhiều người quan tâm là một phương án tối ưu để bảo vệ di tích khi đường vành đai của Đà Nẵng sắp thi công sẽ đi qua khu vực thôn Quá Giáng 2, gây ảnh hưởng và có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của di tích Chămpa ở Quá Giáng. Theo ý kiến của Sở VH-TT&DL, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cần là đơn vị chủ động chuẩn bị đề xuất, kiến nghị phương án bảo vệ di tích độc đáo có những nét “riêng biệt và tiêu biểu” trong hệ thống các di tích Chămpa ở Việt Nam này.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, với việc tổ chức khai quật 3 điểm di tích Chăm rất lớn ở Đà Nẵng, bao gồm: Phong Lệ, Cấm Mít và Quá Giáng trong thời gian vừa qua, đã thu được trên 700 hiện vật có giá trị, đa dạng về chất liệu, đặc trưng kiến trúc và niên đại. Đây là một kết quả rất lớn cần được giữ gìn, phát huy. Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cho biết đối với di tích Chăm ở Quá Giáng và những điểm di tích Chăm chưa được khai quật trên địa bàn Đà Nẵng, Bảo tàng sẽ có phương án tiếp tục khai quật, nghiên cứu trong điều kiện cho phép, rồi hoàn thổ. Riêng quần thể di tích Chăm ở Phong Lệ sẽ được chọn làm điểm tham quan, du lịch mới, với sự đầu tư công phu, bài bản trên diện tích hơn 2.000m2. Đây sẽ là dự án lâu dài; riêng việc khảo cổ, nghiên cứu toàn diện khu di tích có thể sẽ tiến hành trong 3 năm 2015, 2016 và 2017. |
Bài và ảnh: THANH TÂN