Văn hóa - Giải trí

Tôi yêu áo dài

07:45, 02/02/2015 (GMT+7)

1. Cũng như bao cô gái Việt Nam, áo dài đã trở thành trang phục không thể thiếu trong tủ quần áo của tôi từ năm 16 tuổi, khi bước chân vào lớp 10.

Suốt 3 năm THPT, gần như mỗi ngày, việc đầu tiên của tôi là mặc áo dài và đến lớp. Áo dài thân thuộc với tôi đến như thế, nhưng khái niệm về áo dài trong tôi chỉ đơn giản: đó là trang phục truyền thống và là người phụ nữ Việt Nam thì ai cũng mặc áo dài.

Sinh viên Việt Nam mặc áo dài giao lưu văn hóa với sinh viên các nước.   					                 Ảnh: THU HOA
Sinh viên Việt Nam mặc áo dài giao lưu văn hóa với sinh viên các nước. Ảnh: THU HOA

Mãi cho đến khi được tận mắt ngắm và trải nghiệm các trang phục truyền thống của một số quốc gia khác, tôi mới chợt nhận ra mình chưa hiểu về tà áo đẹp vô cùng của dân tộc mình.

2. Việc nghĩ về áo dài bắt đầu sau một lần tôi được mặc Kimono. Lần đó, tôi vô cùng háo hức bởi không chỉ được ướm lên mình bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Nhật Bản, mà còn được chính tay các nghệ nhân mặc cho theo đúng kiểu cổ xưa.  

Trên đường đi đến tiệm thử đồ Kimono, tôi hỏi một cán bộ thuộc Sở Ngoại vụ tỉnh Sakai rằng chị có hay mặc Kimono không. Chị trả lời, rất hiếm khi, ngoại trừ những sự kiện đặc biệt bắt buộc phải mặc trang phục truyền thống. Chị còn cười bẽn lẽn nói rằng, bản thân chị… không hề biết mặc Kimono. Nhiều người phụ nữ khác cũng vậy.

Mỗi lúc cần mặc trang phục này, chị và đa phần phụ nữ Nhật phải tìm đến sự trợ giúp của những người làm nghề khá đặc biệt là chuyên mặc Kimono cho người khác.

Tưởng tượng kiểu gì tôi cũng không thể hiểu lời chị chia sẻ, bởi việc mặc một bộ đồ vào người thì có gì khó. Ở Việt Nam, ai cũng tự mặc áo dài… cái rẹt, ngon ơ, đâu mất thời gian và đâu cần phụ giúp. Hơn nữa, thiết kế của Kimono trông khá đơn giản khi không có cúc áo, khóa kéo hay những chi tiết rườm rà. Thay vào đó, toàn bộ trang phục chỉ là những lớp vải rũ xuống tự nhiên được nối với nhau bằng các sợi dây quấn.

Rồi buổi thử Kimono của tôi cũng bắt đầu. Tôi lập tức chọn chiếc áo có màu sặc sỡ, họa tiết bắt mắt để mình trông nổi bật. Thế nhưng, tôi đã lầm khi cái tôi vừa chọn chỉ là… lớp lót. Tiếp đến, tôi lần lượt được khoác và quấn hết lớp này đến lớp khác với chừng… 8 mảnh ghép. Các mảnh áo được nối kết với nhau bằng những sợi dây, mỗi sợi dài 4 mét với nhiều kích thước bề ngang to, nhỏ khác nhau. Để giữ đai lưng thật phẳng, người mặc còn luồn một tấm bìa cứng dọc lưng tôi rồi tiếp tục siết chặt. Tôi nhớ, lưng mình còn được kê một cái gối nhỏ. Cụ bà, người mặc Kimono cho tôi liên tục hỏi: Cháu… thở được chứ?

Hơn… nửa giờ đồng hồ trôi qua, việc mặc Kimono gần hoàn tất thì dường như nhớ ra một chi tiết nào đó, cụ bà lại tháo hết các lớp ra để chỉnh cho đúng. Quả là tỉ mỉ như Kimono!

Xong phần mặc, tôi bắt đầu… tập đi lại trong chiếc áo mới. Kimono rất đẹp và mang đậm triết lý, cốt cách người Nhật. Nhưng để “ra dáng”, việc mặc thôi thì chưa đủ mà phải đi cho đúng kiểu. Kimono chỉ cho phép bạn “lướt” với khoảng cách đúng một bước chân, tức gót bàn chân trước vừa đủ chạm vào đầu bàn chân sau. Gọi là lướt vì chân không được nhấc lên khỏi sàn hay mặt đất. Bước dài hơn, chắc chắn bạn sẽ không thể di chuyển hoặc bị ngã.

Sau một buổi tạo dáng chụp các kiểu ảnh lưu lại kỷ niệm đẹp với Kimono, trong lòng tôi bỗng dạt dào… nhớ áo dài Việt Nam: “Thiệt là cảm ơn cha ông khi để lại cho con cháu bộ trang phục truyền thống đẹp nhẹ nhàng (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) và khả năng ứng dụng gọn gàng, đơn giản đến vậy”.

3. Tôi vẫn nghĩ áo dài chỉ là trang phục thuần túy ngay cả khi liên tưởng, so sánh với các trang phục truyền thống khác. Thế nhưng, một lần mặc áo dài tác nghiệp trong một sự kiện có nhiều quốc gia tham dự, tôi đã hoàn toàn thay đổi cách nghĩ về áo dài.

Tại sự kiện đó, trong khi loay hoay chụp ảnh, phỏng vấn bên dưới, lúc vô tình nhìn lên khán đài, tôi bắt gặp cái gật đầu chào của một vị mà chúng tôi chưa từng quen biết trước. Tôi chợt đoán người vừa chào mình là ông Trần Đức Bình, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, vì ông đứng ngay vị trí có lá cờ Việt Nam và vị trí đó được dành riêng cho Tổng lãnh sự các nước.

Khoảnh khắc ấy thật xúc động, không phải vì một ai đó đã chào mình, mà bởi lần đầu tiên tôi “nghe” thấy “tiếng nói” của áo dài. Giữa hàng bao người với muôn vàn sắc phục khác nhau đến từ các nước, áo dài dù nhỏ bé, nhẹ nhàng và đơn giản vẫn đủ âm sắc riêng để “nói” với mọi người xung quanh rằng: Tôi là phóng viên đến từ Việt Nam. Tôi nghĩ, cái gật đầu chào lúc nãy có lẽ không phải dành cho tôi mà dành cho quê hương Việt Nam. Nếu không phải là tôi mà là bất kỳ người phụ nữ nào mặc áo dài trong thời điểm đó, họ cũng sẽ được chào đón và nhận diện như sự chào đón và nhận diện hình ảnh của một dân tộc.

Mặc áo dài hàng chục năm, nhưng trong khoảnh khắc, tôi mới cảm thấy mình bắt đầu hiểu áo dài để rồi yêu quý và biết ơn chiếc áo mỏng manh đến vô cùng. Áo dài nhẹ nhàng, đơn giản, tiện dụng khỏi phải nói. Với áo dài, phụ nữ Việt Nam có thể mặc đi học, đi làm, đi tiệc, đi chơi một cách thoải mái. Và tôi đã thực sự cảm nhận rằng, áo dài không chỉ là một loại trang phục mà còn là đại sứ cho con người của đất nước Việt Nam.

Theo dòng áo dài

Theo các tài liệu nghiên cứu, đến nay chưa xác định rõ áo dài nguyên thủy bắt đầu từ đâu và hình dáng cụ thể tại thời điểm đó như thế nào. Qua quá trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, áo dài biến đổi theo thời gian và thể hiện sự tiếp xúc văn hóa phương Đông lẫn phương Tây với các kiểu cổ điển và cách tân.

Áo dài được mặc thông dụng hiện nay được kết hợp giữa áo dài tay giác lăng (raglan), áo dài Lê Phổ, áo dài Lệ Xuân và áo dài Le Mur.

Áo dài Le Mur, hay còn gọi là áo dài Cát Tường, được lấy theo tên một họa sĩ vào thập niên 1930 khi ông thực hiện cuộc cải cách quan trọng trên áo dài tứ thân để biến áo chỉ còn hai vạt trước và sau.

Đến năm 1934, trên cơ sở áo dài Le Mur, một họa sĩ khác có tên là Lê Phổ đã tạo ra kiểu vạt dài cổ kính, phần trên ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới tự do bay lượn.

Thập niên 1960, nhà may Dung ở Sài Gòn đưa ra kiểu may tay ráp lăng giúp giải quyết vấn đề khó khăn nhất khi may áo dài là xuất hiện những nếp nhăn hai bên nách áo. Hàng nút được bố trí từ dưới cổ xéo xuống nách rồi chạy dọc bên hông tạo nên tính thẩm mỹ cao.

Áo dài Trần Lệ Xuân hay áo dài Bà Nhu lại là cách gọi kiểu áo cách tân bỏ đi phần cổ “kín cổng cao tường” và tạo cổ tròn, cổ thuyền, cổ hở. Áo dài Trần Lệ Xuân còn được phá cách với các họa tiết trang trí trên vạt áo.

HƯỚNG DƯƠNG

.