Văn hóa - Giải trí

Café sáng

Màu của yêu thương

17:07, 14/12/2015 (GMT+7)

Không hiểu sao tôi vẫn nhớ tới sắc màu của buổi chợ Tết nào đó đã trôi qua từ rất lâu. Xa xăm trong vùng ký ức ấu thơ…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đó là sắc màu đôi quang gánh bà ngoại sắp từng mớ rau cải thẫm xanh, vài bông sớm lên ngồng lấm tấm nở điểm vàng quang gánh. Đó là những mớ lá trầu có mùi thơm ngai ngái hai bà cháu vừa hái vội sau nhà; là những trái cà chua chín đỏ trong vườn, căng múp mẩy tươi vui; là mấy quả cà tròn lẳn, dài như bắp tay em bé. Thêm chục bánh nếp mặc áo màu mật mía ngọt ngào đặt trong tấm lá chuối xanh nõn nà, chỉ nhìn thôi là nuốt nước miếng nơi cuống họng ừng ực… Đôi quang gánh cũ kỹ của bà dường như tươi hơn mỗi lần theo chân bà bước vội ra chợ Tết.  

Tôi thường được bà cho theo ra chợ Tết, giúp bà bày hàng ra bán, phụ bà lấy hàng cho khách. Bà dạy tôi từng tiếng cảm ơn, từng nụ cười xã giao với khách hàng và những người bán buôn xung quanh. Xung quanh đôi quang gánh của bà, những đôi gánh khác cũng sắc màu tươi mới. Này là gánh lá dong xếp ngay ngắn chờ người mua về gói bánh chưng, này là hoa cúc vàng chúm chím nụ đón năm mới, xa xa hơn là những cành đào phai sắc hồng dịu dàng như má hồng con gái bên hàng tranh, câu đối rực rỡ có ông đồ già ngồi cong lưng viết bên đứa cháu mau mồm mau miệng chào mời khách hàng… Đôi khi, tôi mải mê nhìn theo những cô bé điệu đà áo mới, đặc biệt là những tà áo dài bé xinh và mơ màng nghĩ tới bộ đồ Tết chắc sẽ rất đẹp bà mua cho sau phiên chợ. Bà không bao giờ bán hết bánh nếp mật mà luôn trừ ra một cái để “thưởng” tôi đã rất ngoan khi phụ bà bán buôn ngày Tết. Những cái bánh nhỏ bé bằng lòng bàn tay con nít mà đậm ngọt suốt mùa xuân tuổi thơ.

Màu Tết là màu hoa giấy bác dâu tôi làm những đêm thâu để kịp đem ra chợ bán. Những ngày Tết, toàn bộ nhân lực trong ngoài nhà được huy động tối đa. Tôi bé xíu ngồi lọt giữa những bó hoa Tết đủ màu sắc rực rỡ, được phụ giúp những việc đơn giản như… cắt một cái lá, bó lại bó hoa sau khi bác và các chị đã làm.  

Bác dâu là một cựu thanh niên xung phong, trở về sau chiến tranh cùng với vết sẹo dài ở bụng do đạn lạc. Công việc của bác tôi hầu như ngồi một chỗ, từ may gia công, đến làm hoa giấy… Ai đó có thể thấy công việc ấy chán ngắt và tẻ nhạt, lại chẳng mang lại thu nhập nhiều. Nhưng trong mắt một đứa nhỏ như tôi, bác dâu quả là tài tình và thú vị. Bác vừa nghêu ngao đọc truyện thơ Lục Vân Tiên, vừa thoăn thắt vân vê những tấm giấy màu. Chẳng mấy chốc này bông, này nụ hiện ra tươi mới và sinh động trong tay bác. Có lần bác nói: “Con biết không, làm phận hoa giấy thương lắm. Không hương, không nhựa. Chút sắc màu là vay mượn màu của giấy, vậy mà khi ra chợ thì lại bày bên những đóa hoa thắm tươi. Do đó, người thợ phải cố đặt hết cái tâm của mình vào thì đóa hoa mới đẹp, mới không tủi phận”. Trong cách nói của bác, tôi tin hoa giấy cũng có tâm hồn. Lớn hơn, tôi vẫn thường nhớ lời bác: “Người thợ phải cố đặt hết cái tâm của mình vào thì đóa hoa mới đẹp”…

Màu Tết là màu mâm ngũ quả sập tối ba mươi hai mẹ con vội vàng đi chợ Vinh sắm sửa Tết. Lúc này, cổng chợ đã đóng, người bán tràn ra phía trước gắng họp chợ thêm chút xíu để có thêm tiền về ăn Tết.  Đó là thời điểm “vàng” để những gia đình nghèo khó sắm Tết vì những người buôn bán thường sẽ bán vội, bán giá rẻ để kịp quay về quê ăn Tết. Tôi thường yêu cảnh chợ hanh hao ấy khi chỉ còn lại mươi người, họ buôn bán thật thà thấy thương, và người mua cũng không nỡ lòng mà trả giá. Mâm ngũ quả mẹ chỉ mua ba loại thông thường. Hai loại không thể thiếu là cam và chuối, vì mẹ quan niệm sẽ đưa lại một năm ngọt ngào. Ngoài ra, sẽ thêm một thứ quả quen thuộc nào đó. Hai loại quả còn thiếu thường được mẹ thêm vào cho đủ mâm ngũ quả là… ớt và cà chua vì sẵn có trong nhà mà không tốn kém. Màu đỏ thắm, rực rỡ của ớt và cà chua khiến mâm ngũ quả lung linh, tươi tắn hẳn. Mẹ bày mâm ngũ quả rất đẹp chỉ với dăm loại quả ấy. Ban đầu thấy cũng thật kỳ kỳ, con thắc mắc vì nhà người khác không ai chưng ớt và cà chua. Mẹ chỉ nói bâng quơ, năm sau có tiền hơn, mâm ngũ quả nhà mình sẽ khác. Đôi lúc nghĩ lại mâm ngũ quả ngày thơ bé thấy thương thật thương, ngọt thật ngọt mà cay thật cay. Vị cay không phải đến từ quả ớt.

Màu của Tết…

Tôi vẫn thấy mình lạc giữa Sài Gòn bao nhiêu năm khi đi tìm màu của Tết. Bao nhiêu năm ra phố ông đồ nhộn nhịp vẫn không thể tìm được những sắc màu thật đẹp, thật thơ như thơ Vũ Đình Liên: “Ông đồ vẫn ngồi đó/ Bên đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài đường mưa bụi bay”.

Tôi vẫn muốn đi chợ Tết vào cuối ngày ba mươi như muốn tìm cảm giác vội vội, hanh hao xen lẫn ấm áp khi đi bên mẹ, dù những thứ sắm Tết đã đầy đủ hết rồi. Cái vội của buổi chợ cuối cùng vẫn còn, người bán thật thà thấy thương hết mức, người mua sẻ chia thấy thương hết mức. Mẹ không còn và không khí buổi chợ cũng chỉ là dư âm.

Tết này, lại có người nhớ màu của Tết, màu của yêu thương…

KHÔI NGUYÊN THẢO

.