Văn hóa - Giải trí

Thế giới sách

Của đá và người (*)

15:12, 14/12/2015 (GMT+7)

Đọc xong cuốn ghi chép và tản văn Từ chân núi Đá Tịnh dày hơn 300 trang của nhà giáo Phạm Úc, tôi liên tưởng ngay đến John Steibeck và tác phẩm Of mice and men (Của chuột và người) của ông. Không phải liên tưởng vì cốt truyện của nhà văn Mỹ này, mà vì những đoạn văn tả cảnh rừng đồi tài tình, như một ẩn dụ về tình cảm nhân vật của ông. Vì vậy, đọc Phạm Úc, tôi thấy khi anh nói về mất còn của đá cũng là nói về con người quê anh…

Cuốn sách Từ chân núi Đá Tịnh dày hơn 300 trang của nhà giáo Phạm Úc.
Cuốn sách Từ chân núi Đá Tịnh dày hơn 300 trang của nhà giáo Phạm Úc.

Là người học Toán, rồi dạy Toán suốt 40 năm, Phạm Úc bất ngờ có cách hành văn tự nhiên, khúc chiết và tả nhiều cảnh trí của vùng quê dưới chân dãy Hòn Tàu, nơi anh đã lớn lên, cũng đẹp như vậy. Không phải là tiểu thuyết như John Steinbeck, nhưng cuốn sách lôi cuốn tôi vì lối văn dung dị, nhiều cảm xúc.

Từ chân núi Đá Tịnh dẫn ta đến một làng quê Phước Ninh dưới chân núi. Ở đó, Phạm Úc kể về tuổi thơ mình, về cuộc đời cơ cực của cha mẹ, về bối cảnh xã hội nông thôn những năm sau đình chiến 1954; những kỷ niệm đi làm giấy khai sinh, học tiểu học, đi giữ trâu, trèo hái cau, bắt cá, theo người lớn đi săn, mô tả nghề ép mía đường, khai thác dầu rái trong rừng…, rồi ra phố, đi học, dạy kèm, tham gia hoạt động bí mật, ở tù. Có những kỷ niệm về thầy giáo cũ, bạn học, bạn tù, đồng nghiệp những ngày sau khi giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975…

Có lẽ lối văn chân thực, có gì viết nấy nhưng thấm đẫm tình cảm nhớ thương, tiếc nuối về cảnh, về người, về những gì thân gần với số phận của anh sẽ giúp người đọc nhớ lâu. Hình ảnh những con chó săn, con trâu đạp nước, tảng đá trên núi, những đêm đi hái trộm ổi, những bữa đạp xe từ chỗ trọ học ở Hội An về Quế Sơn, đôi bông tai mã não ngày cưới, bánh tráng nhúng đường non, đan lờ bắt cá… là những kỷ niệm tuổi thơ mà thế hệ những người 50-60 tuổi ngày nay vẫn còn xúc động khi nghe kể lại.

Nhưng Phạm Úc đã kể lại trong tâm thế tiếc nhớ đến nao lòng. Riêng các mối quan hệ huyết thống, bằng hữu, thầy trò trong những trang văn của anh, đối với tôi, là hoài niệm về sự tin cậy của con người với nhau, mà bây giờ đã không còn nữa…

Đọc Từ chân núi Đá Tịnh, nhà giáo Lê Thí (cựu giáo viên Trường THPT Trần Phú) cho rằng: “Đối với những người trẻ, họ sẽ hiểu tại sao cha, chú họ lại có thể đứng trầm ngâm hàng giờ trước một chiếc cối đá sứt mẻ, một bụi tre vô tri, một cái chuồng trâu bỏ hoang…

Đó là một phần của quá khứ và mỗi thứ đều mang linh hồn của nó… Và khi hiểu được, các cháu sẽ biết điều chỉnh cách ứng xử đúng mực hơn, phù hợp hơn với thế hệ cha ông mình…”.

Tôi biết nhà giáo Phạm Úc khi anh và các bạn của anh làm cuốn sách Quế Sơn - Đất và Người. Trước đó, tôi cũng đã đọc mấy truyện ngắn 100 chữ của anh đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay. Giờ đọc thêm cuốn sách mới của anh, lại càng hiểu hơn tấm chân tình, tâm huyết của anh với quê hương, với những cái đẹp trong văn hóa ứng xử của con người Quảng Nam từ trong truyền thống.

Những nét đẹp đang dần phôi phai hoặc đã mất đi trong cuộc sống đang chuyển động... Bởi vậy, tuy anh xưng tôi trong những trang viết, nhưng những điều anh tỏ bày lại lớn rộng hơn nhiều! Chẳng hạn như tảng Đá Tịnh linh thiêng quê anh đã bị đục “rả ra từng miếng như người ta rả thịt con trâu” để bán đi trong những ngày túng quẩn và mụ mẫm, cũng làm tan nát nỗi lòng của những ai đăm đắm với lịch sử và thiên nhiên. Bởi trong đá cũng có hồn người!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG


(*) Đọc Từ chân núi Đá Tịnh, Phạm Úc, NXB Văn học, 2015.

.