Văn hóa - Giải trí
Mỹ thuật Đà Nẵng: Đến gần hơn với công chúng
Làm sao để đưa tác phẩm đến với công chúng yêu nghệ thuật nhiều hơn nữa, để anh chị em họa sĩ Đà Nẵng có nhiều sân chơi hơn nữa và nhất là sống được bằng tài năng nghệ thuật của mình. Đó luôn là điều trăn trở và cũng là mong muốn lớn nhất với hoạt động mỹ thuật Đà Nẵng.
Các đại biểu tham quan các tác phẩm trưng bày tại Trại sáng tác triển lãm điêu khắc năm 2010. |
Một trong những sự kiện quan trọng ghi dấu nhất trong sinh hoạt mỹ thuật Đà Nẵng suốt 20 năm qua là sự ra đời Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tại số 78, Lê Duẩn, quận Hải Châu. Theo đề án đã được phê duyệt, bảo tàng này sẽ trưng bày theo các chủ đề: mỹ thuật hiện đại, mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật dân gian truyền thống của Đà Nẵng và khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên.
Ngay sau khi Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chính thức mở cửa, với các hoạt động Triển lãm giới thiệu kết quả Trại sáng tác mỹ thuật 2014 chủ đề “Cuộc sống và con người Đà Nẵng”, Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật đoạt giải khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (1976-2014)…, triển khai kế hoạch gặp gỡ, mua lại các tác phẩm mỹ thuật có giá trị, đồng thời kêu gọi các tác giả đóng góp vào việc xây dựng bảo tàng thông qua việc hiến tặng một số tác phẩm của mình… đã góp phần đem đến những tín hiệu khởi sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đà Nẵng.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng - một trong những gương mặt nhiều năm liền gắn bó với phong trào mỹ thuật Đà Nẵng cho rằng, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên tại miền Trung có một Bảo tàng Mỹ thuật. Điều này đã khẳng định vị thế của Đà Nẵng không chỉ ở các lĩnh vực quan trọng khác, mà còn ở bề dày và tầm vóc của đội ngũ sáng tác văn học-nghệ thuật trong 20 năm qua.
Cũng theo họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, nếu đánh giá một cách toàn diện, sẽ thấy hoạt động mỹ thuật còn có nhiều dấu ấn khởi sắc ấn tượng đáng kể. Trước hết, phải nói rằng, từ năm 1998, sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) ra đời với tiêu đề “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, với các đầu tư cho sáng tác ưu đãi đối với những tài năng về văn học nghệ thuật, quyền tự do sáng tạo và điều kiện hoạt động của văn nghệ sĩ được bảo đảm và cải thiện, từ đó, tiềm năng và cảm hứng sáng tạo của anh em được khơi dậy nhiều hơn.
Hội Mỹ thuật Đà Nẵng đã có điều kiện tổ chức anh em tham gia nhiều chuyến đi thực tế, tham gia các trại sáng tác Trung ương và địa phương, qua đó có nhiều tác phẩm có giá trị, đoạt nhiều giải thưởng cao, gây tiếng vang. Đặc biệt, trong lĩnh vực điêu khắc, nhiều tác giả thực hiện nhiều công trình tượng đài mang tầm cỡ quốc gia.
Tại một cuộc triển lãm giới thiệu tác phẩm cố họa sĩ Từ Duy. |
Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cũng hoàn thành vựng tập “Mỹ thuật Đà Nẵng 1997 – 2007”, đánh dấu một giai đoạn phát triển 10 năm của phong trào mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, giúp việc giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi cho bạn bè, đồng nghiệp ở trong và ngoài nước.
Nhiều cá nhân và đoàn khách quốc tế ở các nước Singapore, Hàn Quốc, Lào… đã đến thăm và làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Hội Mỹ thuật Đà Nẵng. Ngoài những gương mặt tiêu biểu, gần gũi với công chúng yêu nghệ thuật thị giác như: Vũ Dương, Nguyễn Duy Ninh, Từ Duy (đã mất), Nguyễn Tường Vinh, Trần Nhơn, Nguyễn Trọng Dũng, Nguyễn Thị Dư Dư, Trần Thị Cúc, Phạm Hồng, Mai Ngọc Chính (đã mất), Đinh Gia Thắng, Lê Huy Hạnh…, các họa sĩ trẻ lớp kế thừa như: Thân Trọng Dũng, Quang Huy, Phan Thanh Hải, Trần Hữu Cân… cũng xác định được chỗ đứng rõ rệt; đặc biệt, nhiều gương mặt trẻ qua tác phẩm đã thể hiện những hướng đi mới sáng tạo, mới lạ…
Tuy nhiên, có một giai đoạn vào những năm 2008, 2009, 2010…, tình hình hoạt động mỹ thuật chùng lắng xuống. Trong đó, 3 năm liền triển lãm mỹ thuật khu vực, Đà Nẵng không có giải thưởng chính thức, thậm chí năm 2011 không có giải thưởng nào.
Lý giải về nguyên nhân này, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cho rằng: “Về khách quan, do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống anh chị em giới mỹ thuật nói chung và hội họa nói riêng. Những người sưu tầm tranh, chơi tranh hay yêu chuộng nghệ thuật thị giác vắng bóng dần.
Thị hiếu thẩm mỹ của người dân miền Trung nói chung và người dân thành phố nói riêng còn hạn chế. Quần chúng chỉ thích chơi tranh thêu Trung Quốc, hay tranh giá rẻ, tranh lưu niệm… Về mặt chủ quan, nhiều họa sĩ Đà Nẵng nay tuổi tác đã cao (hội viên Trung ương), lòng đam mê, nhiệt huyết nghệ thuật có giảm sút nhất định. Trong đó, có những họa sĩ mấy năm liền không tham gia triển lãm, nhất là triển lãm khu vực.
Có người loay hoay một năm chỉ vài ba bức chất lượng sáng tác yếu dần, không trao dồi bút pháp, tìm kiếm chất liệu và phát triển phong cách của riêng mình. Phần đông anh chị em họa sĩ làm việc Nhà nước công sở hay giáo viên, những người sống bằng nghề đếm trên đầu ngón tay, so với những năm đầu mở cửa...”.
Về sau, để khắc phục tình trạng nói trên, Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật thành phố kêu gọi anh chị em hội viên (nhất là anh chị lớn tuổi) giúp đỡ, tư vấn Hội, một lòng đoàn kết xây dựng Mỹ thuật Đà Nẵng phát triển cho đúng với một thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại 1 cấp quốc gia… Hằng năm, Hội tổ chức nhiều đợt trại có chất lượng (vẽ tại chỗ), để anh chị em học hỏi lẫn nhau, tạo hưng phấn sáng tác. Do đó, những năm gần đây, từ 2014 đến 2016, mỹ thuật Đà Nẵng đoạt nhiều giải thưởng cao, mà trước đây mỹ thuật Đà Nẵng chưa từng mơ đến.
Bước vào mùa xuân 2017, nhìn về phía trước, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha chia sẻ: Điều trăn trở và cũng là mong muốn lớn nhất với hoạt động mỹ thuật, là làm sao đưa tác phẩm đến với công chúng yêu nghệ thuật nhiều hơn nữa, đáp ứng sự kỳ vọng, lòng mong mỏi của quần chúng yêu nghệ thuật thị giác và phát triển thị hiếu thẩm mỹ của người dân lên một tầm nhận thức mới. Từ đó, làm sao để anh chị em họa sĩ Đà Nẵng có nhiều sân chơi hơn nữa và nhất là sống được bằng tài năng nghệ thuật của mình.
Trần Trung Sáng