Văn hóa - Giải trí

Độc đáo hát chầu văn tại tín ngưỡng thờ Mẫu

17:01, 18/03/2017 (GMT+7)

ĐNĐT - Ngày 18-3 (21-2 âm lịch), lễ hội truyền thống Bửu đản thánh Mẫu Đệ tam thoải cung 2017 của đồng bào theo tín ngưỡng thờ Mẫu khai mạc tại Tam Giang Thánh Điện (thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ban Tôn giáo, Sở Văn hóa – Thể thao và đồng bào theo tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn thành phố về tham dự.

Biểu diễn chầu văn trong giá hầu “Mẫu Đệ nhị thượng ngàn” – người cai quản rừng núi, che chở và giúp con người tránh thiên tai, bão lũ.
Biểu diễn chầu văn trong giá hầu “Mẫu Đệ nhị thượng ngàn” – người cai quản rừng núi, che chở và giúp con người tránh thiên tai, bão lũ.

Tại buổi khai mạc, hát chầu văn trong nghi lễ hầu đồng đã được biểu diễn nhằm giới thiệu nét độc đáo của loại hình nghệ thuật này đến đông đảo người dân. Theo Ban tổ chức, đây là loại hình nghệ thuật dân gian hội tụ nhiều giá trị nghệ thuật khác nhau như âm nhạc, vũ đạo, trang phục, nghệ thuật trình diễn…

Âm nhạc trong chầu văn của miền Trung chủ yếu vay mượn một số làn điệu của các loại hình nghệ thuật dân gian khác như: hò Huế, hát chèo, những điệu hát của các dân tộc thiểu số, thỉnh thoảng có làn điệu dân ca Khu 5, nhạc Chăm…

Tùy theo mỗi "giá" (trong 36 "giá") mà lời hát cũng khác nhau, nhưng cơ bản là một câu chuyện kể về xuất xứ và tôn vinh công đức, kỳ tích, vẻ đẹp của các Thánh; đồng thời ở mỗi "giá" trang phục và điệu múa và đạo cụ cũng khác nhau.

Biểu diễn chầu văn trong giá hầu “Ông Hoàng Mười” – là hiện thân của một vị tướng tài giỏi cả văn lẫn võ, ban phát tri thức cho con người.
Biểu diễn chầu văn trong giá hầu “Ông Hoàng Mười” – là hiện thân của một vị tướng tài giỏi cả văn lẫn võ, ban phát tri thức cho con người.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Hòa, đại diện cộng đồng theo tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng cho biết, với đạo Mẫu, việc tôn thờ Mẫu không chỉ với tư cách là hiện thân của bản thể tự nhiên (mẹ mưa, mẹ sấm chớp, mẹ ngũ hành…) mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên (Mẫu Thiên cai quản vùng trời, Mẫu địa cai quản vùng đất, Mẫu thoải cai quản vùng nước, Mẫu thượng ngàn cai quản núi rừng…).

Vì vậy, bản sắc văn hóa Việt trong tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện ở việc biết ơn những hiện thân tự nhiên che chở, mang lại điều tốt lành cho con người và cả những người có công với dân, với nước.

Cũng như các loại hình tôn giáo khác, tín ngưỡng thờ mẫu hướng đến những điều tốt đẹp, mong ước một cuộc sống an bình, đủ đầy, hạnh phúc.
Cũng như các loại hình tôn giáo khác, tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến những điều tốt đẹp, mong ước một cuộc sống an bình, đủ đầy, hạnh phúc.

Với ý nghĩa tốt đẹp đó, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng dần đi vào khuôn khổ, hướng đến sự lành mạnh, nhân văn, loại trừ cái chưa tốt, chưa lành mạnh nhằm góp phần xây dựng, bảo tồn tín ngưỡng bản địa có từ bao đời nay.

Được biết, lễ hội truyền thống Bửu đản thánh Mẫu Đệ tam thoải cung 2017 diễn ra trong 3 ngày từ 17 đến 19-3 (20 đến 22-2 âm lịch) với phần lễ truyền thống như: lễ mở tẩm cung, lễ mộc dục, lễ rước kiệu, lễ tuần du trên sông, nghi lễ hầu đồng, lễ thả hoa đăng.

Đại diện lãnh đạo các Sở, ngành và địa phương thả bồ câu cầu quốc thái, dân an.
Đại diện lãnh đạo các Sở, ngành và địa phương thả bồ câu cầu quốc thái, dân an.

Bên cạnh phần lễ là phần hội trưng bày y phục của tín ngưỡng thờ Mẫu, hát chầu văn, các món ăn ẩm thực dân gian xứ Quảng, trưng bày hình ảnh và hiện vật về tín ngưỡng miền Trung qua các thời kỳ...

Tin và ảnh: NGỌC HÀ

.