VĂN HÓA CƠ TU

Nền tảng phát triển du lịch cộng đồng ở Hòa Vang

.

Lễ hội văn hóa đồng bào Cơ tu năm 2019 được UBND huyện Hòa Vang tổ chức ngày 4-10 tại nhà Gươl thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) là dịp để đồng bào Cơ tu ôn lại giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội này cũng là nền tảng để chính quyền huyện Hòa Vang thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.

Nhịp điệu “Da dá” của phụ nữ Cơ tu mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi ơn trời đất. 						               Ảnh: NGỌC HÀ
Nhịp điệu “Da dá” của phụ nữ Cơ tu mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi ơn trời đất. Ảnh: NGỌC HÀ

“Sống lại” văn hóa Cơ tu

Thực hiện chương trình bảo tồn văn hóa Cơ tu giai đoạn 2015-2020, từ năm 2015, UBND huyện Hòa Vang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và phục dựng các giá trị truyền thống của đồng bào Cơ tu. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu bảo tồn, hưởng thụ văn hóa của đồng bào mà còn quảng bá nét văn hóa đặc sắc đến với đông đảo người dân và du khách. Đến nay, lễ hội đã được biết đến rộng rãi.

Điểm mới của lễ hội năm nay là bên cạnh phần trình diễn cồng chiêng, tung tung da dá, đồng bào Cơ tu còn thể hiện hát lý và những điệu múa truyền thống thường thấy trong các mùa gặt hái hay săn bắn, cũng như thực hiện nghi thức kết nghĩa. Ngoài ra, lễ hội còn có không gian văn hóa đọc dành cho thanh - thiếu niên, nhi đồng.

Trong nhà Gươl thôn Giàn Bí, theo truyền thống, các vị cao niên của ba thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Phú Túc (xã Hòa Phú) cùng ngồi lại bên nhau vừa uống rượu, ăn trầu vừa hát lý. Ông Trần Khiêm (thôn Giàn Bí) cho biết, đó là những câu nói bày tỏ tình đoàn kết giữa 3 thôn và động viên nhau cùng chung tay bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào, dạy con cháu không được quên cội nguồn.

Với ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), dù lễ hội năm nay tổ chức ở Giàn Bí, ông chỉ là khách mời nhưng không vì thế mà niềm vui vơi đi. “Điều đáng mừng là lễ hội được tổ chức quy mô, phong phú, các màn trình diễn được đầu tư công phu hơn, chuyển tải được giá trị văn hóa của đồng bào. Ngoài ra, dễ nhận thấy có sự trao truyền của các thế hệ, chẳng hạn trong đội ngũ múa cồng chiêng, tung tung da dá xuất hiện những gương mặt còn khá trẻ bên cạnh các nghệ nhân lớn tuổi. Đó không chỉ là hình ảnh đẹp mà với tôi nó gửi gắm cả hy vọng về thế hệ đủ bản lĩnh, trí tuệ bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào”, ông Lê Văn Nghĩa nói.

Diện mạo mới cho Hòa Bắc

Tại lễ hội văn hóa đồng bào Cơ tu năm 2019, niềm vui như được nhân lên gấp bội bởi đây cũng là dịp khai trương điểm du lịch cộng đồng đầu tiên tại Tà Lang - Giàn Bí nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung, mở ra sự phát triển kinh tế, chuyển đổi việc làm tại địa phương.

Biểu diễn cồng chiêng – nét văn hóa đặc sắc của người Cơ tu.
Biểu diễn cồng chiêng – nét văn hóa đặc sắc của người Cơ tu.

Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, năm 2019, UBND huyện Hòa Vang tham mưu Huyện ủy ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Để triển khai nghị quyết này, UBND đã chọn 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí làm điểm và xây dựng phương án trình UBND thành phố phê duyệt.

Trong đó, tập trung hai giải pháp đột phá để đưa du lịch Hòa Bắc phát triển là cho tổ hợp tác du lịch cộng đồng người Cơ tu mượn vốn và thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để hướng dẫn các nghiệp vụ du lịch cộng đồng homestay nhằm xây dựng 2 thôn Tà Lang, Gian Bí thành điểm đến du lịch mới của Đà Nẵng. Việc xây dựng điểm lưu trú và triển khai công tác tư vấn được bắt đầu từ tháng 5-2019, đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 theo đúng kế hoạch.

Anh Đinh Văn Như, Trưởng thôn Giàn Bí, chủ homestay Đinh Như vừa khai trương, tỏ ra phấn khởi vì những ấp ủ, dự định đã hoàn thành. Là người con của đồng bào Cơ tu, anh từng trăn trở làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Ngay khi có nghị quyết về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, anh tiên phong triển khai. “Khi du khách đến với Hòa Bắc, chúng tôi sẽ giới thiệu những cảnh đẹp của núi rừng, trải nghiệm văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực của người Cơ tu. Tôi nghĩ rằng, muốn bảo tồn văn hóa của đồng bào thì không có cách nào tốt hơn là để các giá trị đó “sống” trong cộng đồng”, anh Như nói.

Trao đổi thêm về phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa tại xã Hòa Bắc nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung, ông Bùi Nam Dũng nhấn mạnh, xây dựng du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa là một hướng đi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng trong việc đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, được thực hiện thành công ở một số địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, đây vẫn còn là công việc khá mới mẻ với người dân và chính quyền huyện Hòa Vang. “Chúng tôi xác định lĩnh vực này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của người dân, nhà tư vấn và cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là đồng bào Cơ tu.

Trước hết, họ phải tự nguyện tham gia một cách có trách nhiệm, nhiệt tình cùng nhau tạo dựng nên lợi ích chung cho cả cộng đồng. Họ phải dựa vào các giá trị văn hóa truyền thống sẵn có để tạo nên sản phẩm du lịch có nét đặc trưng riêng, thu hút đông đảo người dân và du khách, tạo nên diện mạo mới cho Tà Lang - Giàn Bí và cho cả xã Hòa Bắc”, ông Bùi Nam Dũng nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.