Giữ ngọn lửa tuồng

.

Nghệ thuật tuồng Đà Nẵng từng có thế hệ nghệ sĩ “vàng”, đóng góp rất lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Hiện hầu hết, các nghệ sĩ đã về hưu, nhưng khi cần đến hỗ trợ chuyên môn cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các nghệ sĩ đều sẵn lòng, chỉ với tâm nguyện giữ ngọn lửa tuồng trên mảnh đất này.

NSƯT Nguyễn Thảo trong vai thầy Nghêu, trong vở Nghêu, sò, ốc, hến. Ảnh: NGỌC HÀ
NSƯT Nguyễn Thảo trong vai thầy Nghêu, trong vở Nghêu, sò, ốc, hến. Ảnh: NGỌC HÀ

Có lẽ cũng rất lâu rồi, các tên tuổi về nghệ thuật tuồng của Đà Nẵng như: NSND Trần Đình Sanh, NSND Nguyễn Thị Thu Nhân, NSƯT  Phương Lan, NSƯT Thanh Tỵ, NSƯT Hà Hữu Hùng, NSƯT Nguyễn Ninh… mới có dịp hội tụ cùng nhau trên sân khấu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; phía dưới khán giả không ai khác là đồng nghiệp, là học trò.

Về hưu đã 6 năm nay, NSƯT  Phương Lan mới trở lại sân khấu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nơi từng gắn bó mấy chục năm qua. 16 tuổi, NSƯT Phương Lan đã được cha gửi từ Quảng Ngãi vào tham gia Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam (tiền thân Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ngày nay). Với chất giọng hay sẵn có, lại ham học hỏi, cô Lan nhanh chóng nắm bắt được kỹ năng, vũ đạo, diễn xuất của nghệ thuật tuồng. Sau ngày giải phóng, cô Lan gắn bó với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho đến ngày nghỉ hưu (năm 2014).

Trở lại sân khấu lần này, NSƯT Phương Lan vào vai Lưu Kim Đính - một vai mẫu chuẩn mực của vở tuồng truyền thống. “Dù trải qua vai diễn này nhiều lần, nhưng tôi tuyệt đối không chút lơ là. Biết mình tuổi đã cao nên khi nhận lời tôi đã cố gắng dành thời gian tập lại vũ đạo, biểu hiện, thần thái để lột tả nhân vật; bởi vì hơn ai hết, chúng tôi ý thức được vai diễn của mình là khuôn mẫu để các em, các cháu diễn viễn trẻ theo đó quan sát, học hỏi”, NSƯT  Phương Lan chia sẻ.

Trong khi đó, hình ảnh NSND Trần Đình Sanh đã trở nên quá quen thuộc với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và gắn bó với nhiều hoạt động chuyên môn về tuồng của Đà Nẵng ngay cả khi về hưu, nên sự xuất hiện của nghệ sĩ trong buổi ghi hình các trích đoạn tuồng mẫu mực không là chuyện lạ. Cái lạ đối với mọi người trong khán phòng có chăng là sự ngưỡng mộ và khâm phục về một người làm nghệ thuật chân chính. Bị tai nạn giao thông từ năm 2015, sau hai năm điều trị, sức khỏe của NSND Trần Đình Sanh dần hồi phục. Cũng từ khi vừa khỏe lại, nghệ sĩ lại đến với tuồng, có khi là khán giả, có khi là cố vấn chuyên môn… Lần này, NSND Trần Đình Sanh vào vai Trần Bình Trọng trong vở tuồng lịch sử cùng tên. Theo nghệ sĩ, muốn diễn được các vai diễn trong vở tuồng lịch sử thì phải học cho đúng, cho chắc; nắm thật rõ về nhân vật. Nhưng khi đi vào biểu diễn cần linh hoạt, vừa làm sao đạt chuẩn mực về mặt lịch sử, sự đỉnh đạc của nghệ thuật truyền thống nhưng phải gần gũi với khán giả.

Đảm nhận và để lại dấu ấn trong lòng khán giả với hàng loạt vai diễn ở các vở tuồng lịch sử, tuồng dân gian, nhưng lần này NSND Trần Đình Sanh thừa nhận mình gặp “khó” bởi vấn đề tuổi tác, sức khỏe. “Nhưng khi đứng trên sân khấu và hiểu được trọng trách của mình, tôi cố gắng vào vai Trần Bình Trọng một cách tốt nhất để có cái gọi là cho thế hệ sau. Điều tôi muốn gửi gắm đến học trò cũng như thế hệ nối tiếp giữ gìn, bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống là hãy đến với tuồng bằng tình yêu, bằng sự nghiêm túc, bằng những điều hết sức bình dị, như hơi thở, cơm ăn, thức uống không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày…”, NSND Trần Đình Sanh chia sẻ.

Bên dưới khán đài hôm ấy, các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát đều có mặt và dành cho những người thầy, người nghệ sĩ gạo cội sự kính trọng và niềm tự hào. Nghệ sĩ Thái Văn Nga nói, dù các thầy cô đã nghỉ hưu theo chế độ nhưng mỗi khi nghệ sĩ trẻ cần ý kiến chuyên môn thì đều tận tình hướng dẫn. “Họ là những nghệ sĩ lớn, những người góp phần truyền lửa đến chúng tôi”, nghệ sĩ nghệ sĩ Thái Văn Nga bộc bạch.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, các nghệ sĩ được mời ghi hình trong tháng 3 vừa qua là những người trưởng thành và đạt được những thành tựu lớn trong chiếc nôi của đất Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng, góp phần vào thành tựu chung của nghệ thuật dân tộc nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc ghi hình nhằm lưu lại cho lớp diễn viên kế cận của nhà hát tập theo; đồng thời, tạo dựng nguồn tư liệu quý của nhà hát sau này.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.