Tuổi trẻ Đà Nẵng vừa hoàn thành việc trùng tu 2 di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phường Bình Hiên, quận Hải Châu là Nhà bà Phán Thạnh (số nhà 105-107 Trưng Nữ Vương) và Giếng nước Chăm cổ (nằm trong khuôn viên Trường mầm non Ánh Hồng, 109 Trưng Nữ Vương), qua đó góp phần chung tay gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố.
Tuổi trẻ Đà Nẵng tìm hiểu về di tích Nhà bà Phán Thạnh, quận Hải Châu. Ảnh: THANH TÌNH |
Nhà bà Phán Thạnh (gọi theo tên chồng là ông Huỳnh Thạnh) từng là điểm hội họp, làm việc của các đồng chí tham gia hoạt động cách mạng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là di tích lịch sử cách mạng trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Tại đây, năm 1928, tác phẩm “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Quảng Nam do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư bí mật in lại, lưu hành trong tỉnh và các tỉnh miền Trung.
Trong khi đó, tương truyền rằng, khi vua Lê Thánh Tông đem quân đi chinh phục Chiêm Thành, lúc dừng chân tại Giếng nước Chăm cổ, quân lính ngài đã dùng nước ở giếng này để uống. Những năm cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, nhiều tàu thuyền từ các nước phương Tây đến giao thương thường xuyên sử dụng nước ngọt của giếng này.
Hai di tích Nhà bà Phán Thạnh và Giếng nước Chăm cổ có ý nghĩa không chỉ với những người con Đà Nẵng mà còn với nhân dân cả nước, song đã bị xuống cấp trầm trọng. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa giáo dục truyền thống to lớn của các di tích lịch sử đối với tuổi trẻ thành phố, từ đầu năm 2020, Thành Đoàn Đà Nẵng đã xin ý kiến Thành ủy, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tiến hành trùng tu 2 di tích lịch sử, văn hóa này.
Bắt đầu từ tháng 5-2020, hai di tích được tuổi trẻ Đà Nẵng khởi công trùng tu, đến tháng 10-2020 hoàn thiện. Là người theo sát quá trình trùng tu, anh Nguyễn Duy Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn cho biết, trùng tu di tích là việc làm quan trọng nên trước khi bắt tay làm, Thành Đoàn Đà Nẵng đã tham khảo ý kiến của các ban, ngành, xác định giá trị gốc của di tích để khi tiến hành trùng tu không làm sai lệch, hư hại đến những giá trị lịch sử của cha ông để lại.
“Chúng tôi đã khảo sát di tích cẩn thận, quá trình trùng tu được thực hiện nghiêm ngặt, đúng theo bản vẽ. Không chỉ làm việc với đơn vị thi công, chúng tôi còn làm việc chặt chẽ với địa phương để quá trình trùng thu được an toàn, đồng thuận và nhanh chóng”, anh Duy Thành nói.
Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, công trình trùng tu 2 di tích có tổng giá trị 450 triệu đồng, là hoạt động thiết thực của tuổi trẻ thành phố chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các công trình sau khi hoàn thành sẽ trở thành một điểm đến trong hành trình tìm về địa chỉ đỏ của thành phố cũng như trên cả nước nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên và người dân.
“Di tích lịch sử, văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc. Việc tuổi trẻ thành phố tham gia vào quá trình trùng tu, tôn tạo đã góp phần thể hiện tinh thần xung kích trong việc chung tay bảo vệ di sản trước sự tàn phá của thời gian. Sau khi trùng tu xong, Thành Đoàn Đà Nẵng đã bàn giao cho địa phương quản lý, giới thiệu về giá trị lịch sử của di tích đến người dân và du khách”, anh Nguyễn Mạnh Dũng nói.
Có mặt tại di tích Nhà bà Phán Thạnh, bạn Hoàng Phương Trinh (Đoàn viên thuộc Đoàn khối Các cơ quan thành phố) bày tỏ: “Mình đã biết đến di tích này qua sách vở, internet nhưng hôm nay đến đây, được thấy và nghe kể lại các câu chuyện lịch sử, mình thực sự xúc động và cảm nhận được hết ý nghĩa sâu sắc về lịch sử văn hóa mà cha ông để lại. Thế hệ trẻ như mình sẽ nỗ lực lưu giữ những giá trị truyền thống ấy”.
Bà Nguyễn Thị Sáu (người dân sống lâu năm tại 2 di tích lịch sử - văn hóa Nhà bà Phán Thạnh và Giếng nước Chăm cổ) chia sẻ: “Trước đây, 2 di tích bị xuống cấp, nhiều người dân không biết đến di tích. Sau khi tuổi trẻ thành phố trùng tu, sửa chữa, di tích này đã trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Việc gắn thêm biển tên di tích tại mỗi công trình sẽ thu hút nhiều người tham quan, tìm hiểu”. |
THANH TÌNH