Họa sĩ Vĩnh Khoa và nghĩa tình với quê hương

.

Nhằm tri ân quê hương và góp phần làm giàu có, đa dạng di sản mỹ thuật thành phố, họa sĩ Vĩnh Khoa (Việt kiều Bỉ) quyết định tặng bộ sưu tập trang gốc truyện tranh cùng những tài liệu quý trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Người dân tham quan triển lãm bộ sưu tập trang gốc truyện tranh của họa sĩ Vĩnh Khoa - Vink  tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG
Người dân tham quan triển lãm bộ sưu tập trang gốc truyện tranh của họa sĩ Vĩnh Khoa - Vink tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG

Họa sĩ Vĩnh Khoa sinh năm 1950, thuộc dòng dõi Hoàng tộc Huế. Ông sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng trong gia đình khá giả và có truyền thống văn nghệ. Cậu ruột của ông là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Phạm Văn Ký, anh ruột là nhạc sĩ Vĩnh Khôi (Minh Khôi). Sau khi tốt nghiệp tú tài tại Trường Pascal Đà Nẵng, họa sĩ Vĩnh Khoa theo học báo chí tại Viện Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn). Sau đó, ông sang Bỉ du học vào năm 1969 và định cư tại thành phố Liège cho đến nay.

Họa sĩ Vĩnh Khoa chính thức vào nghề mỹ thuật khi 30 tuổi, với bút danh Vink. Ông từng hợp tác với tờ Spirou và Journal Tintin (báo Tintin) - báo dành cho thiếu nhi nổi tiếng ở Bỉ; Nhà xuất bản Dargaud (Pháp) và Hãng phim hoạt hình Walt Disney (Hoa Kỳ) trong bộ phim Mộc Lan.

Tác phẩm trình làng đầu tiên của ông là bộ truyện tranh về cổ tích Việt Nam Derrière la haie de bambous (Sau lũy tre xanh) cho báo Tintin. Không lâu sau đó, ông được giới hội họa chú ý nhiều hơn khi ra mắt tác phẩm “Lịch sử 1.000 năm thành phố Liège” với cách thể hiện mới mẻ. Năm 1985, Vink khẳng định tên tuổi bằng giải thưởng truyện tranh lớn nhất của Bỉ với bộ truyện Le Moine Fou (Nhà sư điên). Đến nay, truyện tranh của Vink đã được cả châu Âu biết đến cả về số lượng, chất lượng và phong cách.

Năm 2021, họa sĩ Vĩnh Khoa cùng vợ - họa sĩ Claudine, quyết định tặng cho Đà Nẵng gần 100 hiện vật, gồm: 61 trang gốc truyện tranh, hơn 20 tài liệu phụ và 14 cuốn truyện tranh xuất bản tại Bỉ, Thái Lan. Trong đó, có hiện vật hơn 50 năm tuổi, họa sĩ vẽ lúc còn ở Việt Nam, là tài sản quý báu của ông và gia đình.

Họa sĩ Vĩnh Khoa bày tỏ, ông đã nhận và hưởng rất nhiều từ mảnh đất Đà Nẵng, từ tình người đến ánh sáng, nắng mưa, không gian văn hóa. Khi du học sang Bỉ, ông mang theo tất cả hành trang ấy để bước vào con đường nghệ thuật. Đời sống ở Bỉ cho phép ông phản ánh tất cả những gì trải qua ở Việt Nam trong các tác phẩm truyện tranh. Trong cuộc đời sáng tác của mình, ông luôn cố gắng thể hiện các sáng tác mang hơi hướng Việt Nam, nhất là Đà Nẵng.

“Những gì nhận hưởng trong quá khứ thì hôm nay tôi được diễm phúc trao trả một phần về quê hương. Chân thành cảm ơn Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ân cần tiếp đón và tạo điều kiện cho tôi được tri ân quê hương thân yêu. Hy vọng những hiện vật này có thể góp phần làm giàu thêm hệ thống di sản mỹ thuật của thành phố”, họa sĩ Vĩnh Khoa chia sẻ.

Họa sĩ Vĩnh Khoa là một trong những họa sĩ truyện tranh hiếm hoi sử dụng màu nước, bút sắt vẽ trực tiếp trên giấy. Mỗi trang tranh của ông thường mất khoảng một tuần để hoàn thiện. Họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, hiện nay kỹ thuật, công nghệ phát triển hơn nên đa phần các họa sĩ truyện tranh vẽ và tô màu trên phần mềm máy tính. Những người vẽ truyện tranh bằng bút sắt, màu nước trực tiếp trên giấy như họa sĩ Vĩnh Khoa rất hiếm hoi.

Tại Đà Nẵng hiện nay, rất ít họa sĩ theo đuổi cũng như thành công với con đường vẽ truyện tranh. Vì vậy, hiện vật mảng hội họa này tại thành phố rất ít. Đáng quý là một kỳ tài truyện tranh được thế giới công nhận như họa sĩ Vĩnh Khoa vẫn luôn hướng về quê hương. Điều này thể hiện rõ nét ở phong cách sáng tác, màu sắc, trang phục, cảnh vật trong trang truyện và cả trong việc hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

“Tất cả hình vẽ trong truyện tranh của họa sĩ Vĩnh Khoa được thể hiện rất chắc, khỏe, chuẩn, có bố cục hài hòa từ từng khung hình nhỏ cho đến tổng thể. Theo tôi, mỗi trang truyện tranh của họa sĩ Vĩnh Khoa đều có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật vì chứa đựng sự chỉn chu cũng như các yếu tố nghệ thuật được thể hiện đậm nét”, họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh, trong năm 2021, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, bảo tàng phải đóng cửa một số lần nên việc tổ chức triển lãm trực tiếp phục vụ công chúng yêu nghệ thuật gặp nhiều khó khăn. Do đó, tranh thủ thời gian thành phố đang kiểm soát tốt dịch bệnh, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng quyết định tổ chức triển lãm bộ sưu tập trang gốc truyện tranh của họa sĩ Vĩnh Khoa - Vink và lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng năm 2021 vào ngày 19-11. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11).

“Thông qua hoạt động này, chúng tôi muốn giới thiệu đến công chúng một mảng thú vị, độc đáo của hội họa, đó là vẽ truyện tranh. Đây cũng là dịp để Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tri ân những cá nhân hiến tặng hiện vật trong năm qua. Đồng thời, góp phần động viên, khuyến khích người dân trên địa bàn thành phố tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”, bà Nguyễn Thị Trinh bày tỏ.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.