Văn hóa - Giải trí
Thúc đẩy tiến độ trùng tu di tích Hải Vân quan
Sau gần 5 tháng thi công, nhiều hạng mục quan trọng của dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan được nhà thầu thực hiện, hoàn thành, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ. Tuy nhiên, trong phạm vi thực hiện dự án này, có một số vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đang được tháo gỡ để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.
Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan có diện tích sử dụng đất khoảng 6.500m2 với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án
Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan có diện tích sử dụng đất khoảng 6.500m2, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng phối hợp điều hành. Dự án có thời gian thực hiện trong hai năm với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%.
Hiện nay, đơn vị thi công đã tháo dỡ các kết cấu lô-cốt xây mới bằng bê-tông cốt thép và gạch thẻ thời Pháp, Mỹ trên cổng Hải Vân quan và cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan; sắp hoàn thành tu bổ 5 lô-cốt quân sự được xây dựng từ thời thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược; đồng thời đang thực hiện xây dựng tường chắn đất bằng đá hộc, hệ thống đường dạo bằng bê-tông giả đất với tỷ lệ công việc đạt hơn 30%...
Ông Phạm Hùng Trường, Phó Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung - đơn vị thi công dự án cho biết, dù trải qua thời gian và khí hậu khắc nghiệt, song đến nay, cơ bản kết cấu của hai cổng Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan vẫn rất vững chắc. Trong quá trình hạ giải hai lô-cốt nằm phía trên hai cổng chính, các kỹ sư và công nhân thực hiện cẩn thận, tháo dỡ từng phần, bảo đảm không ảnh hưởng đến công trình nguyên gốc.
Đối với bờ tường thành nhà Nguyễn còn sót lại, đơn vị thi công tiến hành khảo sát, đo vẽ cẩn thận trước khi tiến hành hạ giải, gia cường lại phần móng, phục hồi tường thành bằng đá núi. Trong đó, lựa chọn những viên đá núi tương đồng với đá gốc để bảo đảm sự đồng bộ, chắc chắn, mỹ quan của các bờ thành.
Đặc biệt, để bảo đảm an toàn cho quá trình thi công tại khu vực địa hình đồi dốc, đơn vị thầu ưu tiên hoàn thành trước một số hạng mục như hệ thống tường chắn đất nhằm chủ động ngăn chặn tình trạng quá trình sạt lở; thi công sân đường giữa cổng Hải Vân quan và cổng Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng quan để có mặt bằng xây dựng nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố.
“Đỉnh đèo Hải Vân có thời tiết diễn biến phức tạp nên các kỹ sư và công nhân phải bố trí thời gian làm việc hợp lý, cố gắng hoàn thành các hạng mục quan trọng trước mùa mưa”, ông Trường thông tin.
NSND Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, đề án trùng tu Hải Vân quan cũng như giải pháp thực hiện được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định nên không có việc xâm hại di tích. Việc trùng tu, bảo tồn Hải Vân quan được tiến hành trên nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng, yếu tố gốc, kể cả các lô-cốt mới xây dựng thời Pháp thuộc và thời kháng chiến chống Mỹ.
“Hải Vân quan là công trình mang tính lịch sử, đi vào ký ức của nhiều thế hệ người dân nên có ý kiến khác nhau là điều khó tránh khỏi. Đây cũng là lý do mà hai địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cũng như giới chuyên môn rất thận trọng, kỹ lưỡng khi thực hiện dự án này. Đây là lần đầu tiên di tích này được tu bổ, bảo tồn với quy mô lớn. Hy vọng sau khi hoàn thành, công trình sẽ trụ vững với thời gian và tiếp tục trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách”, ông Hùng chia sẻ.
Công nhân thi công các hạng mục của dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan, bảo đảm yếu tố gốc của công trình. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Phối hợp tháo gỡ vướng mắc
Theo Ban quản lý dự án - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiện dự án có một số vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều đơn vị khác nhau giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế cần sớm được tháo gỡ nhằm bảo đảm tiến độ thi công. Cụ thể, trong phạm vi dự án có nhà bưu điện bỏ hoang do UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) quản lý. Ngôi nhà này hiện chưa tìm được giấy tờ liên quan để làm các thủ tục hạ giải. Cùng với đó, chạy ngang qua khu vực di tích có đường dây điện 22kV gây cản trở và thiếu mỹ quan. Đồng thời, phạm vi thực hiện dự án liên quan đến diện tích rừng phòng hộ, đòi hỏi phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý chuyển đổi đất rừng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, cùng với việc triển khai dự án, cơ quan chức năng của cả hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đang triển khai thủ tục chuyển đổi đất rừng. Với phần diện tích đất liên quan đến rừng phòng hộ ở bên địa phận Thừa Thiên Huế, các bộ phận tham mưu của tỉnh chủ động triển khai thực hiện.
“Từ cổng Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng quan đi về hướng tỉnh Thừa Thiên Huế xuyên qua cánh rừng còn dấu tích của con đường thiên lý ngày xưa. Do vậy, trong tương lai cần có hình thức khai thác phù hợp để du khách có thể trải nghiệm một cung đường nổi tiếng một thời”, ông Trung nói thêm.
Trong khi đó, với các vướng mắc còn lại, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, về vấn đề nhà bưu điện bỏ hoang, sở đã có văn bản gửi UBND phường Hòa Hiệp Bắc và địa phương cũng có văn bản thống nhất hạ giải công trình này. Đến nay, sở phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND phường Hòa Hiệp Bắc và đơn vị thi công ký biên bản bàn giao tài sản để thực hiện hạ giải.
Còn vấn đề liên quan đến đường dây điện 22kV, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cũng đã chủ trì tổ chức họp giữa các đơn vị gồm: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND phường Hòa Hiệp Bắc, Điện lực Liên Chiểu và đơn vị thi công, thiết kế để thống nhất điều chỉnh hướng tuyến của đường dây điện. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang thực hiện hồ sơ thiết kế điều chỉnh và gửi Điện lực Liên Chiểu thỏa thuận trước khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
XUÂN DŨNG