Đà Nẵng cuối tuần

Hội An qua góc nhìn của Nguyễn Lương Hiệu

13:55, 08/05/2022 (GMT+7)

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Lương Hiệu chia sẻ rằng, ảnh của ông về Hội An được chụp bởi góc nhìn của người làm thơ, viết báo nên có thể khác với góc nhìn chung. “Đó có thể là khoảnh khắc động của du khách khi tham quan phố cổ, nhưng cũng có thể tĩnh lặng như một bức tranh khi tôi lặng yên ngắm nhìn”, ông nói.

Tác phẩm Góc cổ Phước Kiến và nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Lương Hiệu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tác phẩm Góc cổ Phước Kiến và nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Lương Hiệu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Triển lãm ảnh của NSNA Nguyễn Lương Hiệu mang chủ đề “Thong dong Hội An”, diễn ra từ ngày 30-4 đến 3-5, tại Công viên Kazik (138 Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) do Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh bảo trợ, Trung tâm Văn hóa Thể thao - Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An phối hợp tổ chức. Với 18 ảnh màu và đen trắng, Nguyễn Lương Hiệu đã mang đến cho công chúng và du khách những khoảnh khắc độc đáo qua góc nhìn như thơ về phố Hội.

Ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao - Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An nói: “Là nhà thơ nên ảnh của Nguyễn Lương Hiệu đẹp, mơ mộng như thơ”. Còn nhà thơ Nguyễn Minh Hùng nhận xét: “Ảnh của Nguyễn Lương Hiệu là bài thơ ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt ngẫu nhiên trong những khoảnh khắc không xa lạ nhưng khó nắm bắt của Hội An. Họa sĩ hoàn toàn can dự vào đối tượng mô tả và ý tưởng biểu đạt, còn nhiếp ảnh gia thì không. Họ giữ yên cho cuộc sống tự lên tiếng. Để một lần nữa, Nguyễn Lương Hiệu tặng ta niềm giao cảm với tâm hồn Hội An…”.

Có thể nhắc đến những bức ảnh ấn tượng và đặc trưng chất phố Hội nhất của Nguyễn Lương Hiệu như Tôi về đứng giữa quê hương, mô tả từ một góc nhìn rộng ở bờ sông Hoài, những ngôi nhà cổ hòa lẫn giữa trời, nước, cây lá mênh mang… Tác phẩm Lối về là không gian của những con kiệt nhỏ rêu phong trong phố Hội, với hình ảnh người mẹ quang gánh tảo tần mưu sinh mà tác giả đã ghi khắc trong thơ: Dù đi trăm suối ngàn sông/ Vẫn không đi khỏi tấm lòng, Mẹ tôi (Mẹ tôi). Hay tác phẩm Hội An 4 giờ 30 sáng có bố cục mộng ảo hiếm hoi giữa ngày và đêm của một con phố lặng lẽ. Tác phẩm Thời gian có bố cục đơn giản, với dăm ba ngôi nhà cổ phản chiếu trên dòng nước, lung linh tựa một tác phẩm hội họa….

Nguyễn Lương Hiệu cho biết, cầm máy ảnh đã lâu, nhưng thú vị nhất với ông là năm 2001, khi đi thực tế tại vùng đất Châu Đốc (An Giang), thấy khung cảnh quá đẹp, ông như chìm đắm trong khung cảnh và con người làng Chăm nơi đây, nên chụp tự nhiên vài tấm ảnh. Tác phẩm Lớp học người Chăm được chụp trong chuyến đi đã đoạt một giải thưởng về nhiếp ảnh. Điều đó mang lại niềm vui rất lớn cho ông. Cứ thế, tình yêu đối với nghệ thuật nhiếp ảnh ngày càng sâu đậm và mỗi ngày ông lặng lẽ tìm những góc hình đẹp để ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống.

Với Hội An, NSNA Nguyễn Lương Hiệu nói: “Phố Hội bây giờ thay đổi nhiều lắm, nhưng cái tình giản đơn, chân chất của người Hội An thì mãi đọng lại trong lòng những ai gắn bó với vùng đất này và cả du khách chỉ một lần ghé nơi đây. Chính vì cái tình ấy mà tôi đắm đuối với Hội An để chụp bộ ảnh “Thong dong Hội An”. Ảnh của tôi được chụp bởi góc nhìn của người làm thơ, viết báo cho nên có thể khác với góc nhìn chung. Đó có thể là khoảnh khắc động của du khách khi tham quan phố cổ, nhưng cũng có thể tĩnh lặng như một bức tranh khi tôi lặng yên ngắm nhìn. Tôi thích tất cả những bức ảnh tôi chụp vì đó là một Hội An cổ xưa mà hiện đại”.

Sau triển lãm, NSNA Nguyễn Lương Hiệu tặng bộ ảnh “Thong dong Hội An” cho Trung tậm Văn hóa - Thể thao Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An.

Dịp diễn ra triển lãm “Thong dong Hội An”, Nguyễn Lương Hiệu còn ra mắt tập sách Thong dong ba vùng đất, bao gồm những tác phẩm nhiếp ảnh, thơ, nhạc tiêu biểu về Quảng Nam - Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa, mà theo tác giả là mảnh đất phù sa khởi nguồn để ông đến với nghệ thuật.

NSNA Nguyễn Lương Hiệu sinh năm 1957, quê huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, sinh hoạt nhiếp ảnh tại Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đoạt nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh của Hội NSNA Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hóa châu Á - Thái Bình Dương… Năm 2014, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao bằng xác nhận kỷ lục cho Rumba xanh của Nguyễn Lương Hiệu là tuyển tập ảnh, thơ và nhạc có số lượng tác phẩm nhiều nhất ca ngợi vẻ đẹp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Thành phố Hồ Chí Minh) sau cải tạo.

TRUNG SÁNG

.