Văn hóa - Giải trí
4 nhà báo xứ Quảng rạng danh làng báo quốc ngữ thế kỷ XX
Bốn nhà báo nổi tiếng xứ Quảng: Lương Khắc Ninh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ đã làm rạng danh làng báo quốc ngữ thế kỷ XX. Họ là những nhà báo mạnh mẽ bày tỏ quan điểm, lập trường của mình, đặc biệt nhạy bén với cái mới, tiên phong đổi mới.
Tuyên ngôn của Báo Tiếng Dân trên vách trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. |
Lương Khắc Ninh: “Ông tổ” của báo chí kinh tế
Nhắc đến ông, là nhắc đến Nông cổ mín đàm, tờ báo kinh tế đầu tiên được xuất bản tại nước ta vào những năm đầu tiên của thế kỷ XX (1901-1921). Nông cổ mín đàm được xác định là một trong bốn tờ báo quốc ngữ đầu tiên có mặt tại Nam Kỳ trong thời kỳ trứng nước của báo chí nước ta. Điều thú vị là chủ bút đầu tiên của tờ báo là Lương Khắc Ninh, một người con của quê hương Quảng Nam.
Ông sinh năm 1862 tại làng Bảo An (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn); cha ông là Lương Khắc Huê, mẹ là Vũ Thị Bương. Năm ông ở tuổi lên 3, nước ta lúc đó mới có tờ báo quốc ngữ đầu tiên mang tên Gia Định báo ra đời với những số báo đầu tiên được phát hành. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cũng là năm ông giã từ trần thế. 10 tuổi, gia đình ông chuyển vào Bến Tre.
Nhờ vậy, ông có một tuổi niên thiếu đáng nhớ ở xứ dừa, được học chữ quốc ngữ và Pháp văn tại một trường Pháp ở Mỹ Tho, sau khi tốt nghiệp được phân làm viên chức sở Thương chánh Bến Tre rồi thông dịch viên tòa án tỉnh, Hội đồng quản hạt tỉnh trước khi được sung vào Hội đồng tư vấn Nam Kỳ. Những tưởng ông sẽ gắn bó với con đường quan chức hanh thông như vậy, nào ngờ, ông đột ngột bỏ việc. Vào những năm đầu thập kỷ 1900, tại một số tòa báo ở Sài Gòn, xuất hiện một cây bút mới vừa bỏ ngang nghề cũ và gia nhập nghề mới, đó chính là Lương Khắc Ninh.
Khi Nông cổ mín đàm được một chủ báo vốn là một nhà tư sản Pháp đứng ra đầu tư, thì tờ báo lập tức được định hướng “khai mở dân trí”, với việc khẳng định vai trò của thương nghiệp trong phát triển đất nước, hướng dẫn cách làm ăn buôn bán, kích thích lòng tự ái dân tộc trong lĩnh vực công thương, đồng thời xác lập quan niệm của báo về giá trị, thứ bậc của các tầng lớp sĩ, công, nông, binh trong xã hội lúc bấy giờ. Dấu ấn và chính kiến của một người con quê hương xứ Quảng, chủ bút Lương Khắc Ninh đã được tỏ rõ ngay trên báo chí đất Nam Kỳ. Nhiều năm sau, cũng với tinh thần quảng bá thương mại, tờ Đăng cổ tùng báo phát hành tại Hà Nội đã tiếp tục đề cập vấn đề này.
Lương Khắc Ninh còn được biết đến với vai trò chủ bút của Lục tỉnh tân văn (1907-1944), một tờ báo có vị trí quan trọng hàng đầu trong lịch sử báo chí Nam Kỳ với tư tưởng cải cách xã hội, chống thực dân mạnh mẽ.
Huỳnh Thúc Kháng: Người “Thét tiếng dân giữa kinh thành Huế”
Tổng Bí thư Trường Chinh tại hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ở chiến khu Việt Bắc (tháng 7-1948), đã nhắc đến Tiếng Dân, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của miền Trung một cách tự hào như vậy.
Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tượng chủ bút Huỳnh Thúc Kháng được đặt trang trọng ngay tại gian khánh tiết và vách đồ họa giới thiệu báo chí yêu nước giai đoạn 1925-1945 nổi bật hình ảnh tờ báo Tiếng Dân và lời trích tuyên ngôn của báo đăng trên số báo đầu tiên ra ngày 10-8-1927: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”.
96 năm đã trôi qua, lớp lớp nhà báo hậu sinh hôm nay vẫn khôn nguôi ghi tạc chân dung một tờ báo tiếng Việt khổ lớn đầu tiên ra đời tại Huế do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. 16 năm tồn tại, báo đã xuất bản được 1.766 số cho đến khi bị chính quyền thực dân Pháp đình bản vào tháng 4-1943. Trên các trang báo, hiện diện cuộc sống và con người đất Trung Kỳ đầu thập kỷ XX cùng nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, những tư liệu quý về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Sưu tập Báo Tiếng Dân tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho thấy, nhà báo - chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng không chỉ mạnh mẽ bày tỏ quan điểm, lập trường yêu nước của mình trên mặt báo mà 13 năm trong nhà tù Côn Đảo của giặc Pháp, cụ đã khẳng định một tấm lòng kiên trung, một tấm gương bất khuất, yêu thương giống nòi.
Sinh năm 1876 tại huyện Hà Đông, nay là huyện Tiên Phước, trong một gia đình nông hào, gốc Nho học, cụ Huỳnh Thúc Kháng từng đỗ tiến sĩ nhưng từ chối ra làm quan mà chọn việc mở trường dạy học tại gia. Là người tham gia sáng lập ra phong trào Duy Tân, đã trải qua tù đày sống chết, nhưng khi vừa ra tù, cụ đã lập Báo Tiếng Dân, rồi trở thành Chủ tịch Viện Dân biểu Trung Kỳ.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, “con người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao” đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tài năng, đức độ của cụ luôn được Người trân trọng; vào thời điểm sinh tử nhất, Người đã tin tưởng ủy nhiệm cương vị Chủ tịch nước cho cụ. Đó là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa một cốt cách Quảng Nam và một cốt cách xứ Nghệ, được xây đắp bởi hai nhân cách lớn, hai tấm lòng yêu nước thương dân, hai tinh thần thép suốt đời cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc.
Phan Khôi: Tiên phong đổi mới
Trong “tứ đại” của làng báo Sài Gòn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người ta nhắc đến bốn tên tuổi cự phách, thì ngoài Đào Trinh Nhất và Diệp Văn Kỳ, Quảng Nam chiếm tới hai vị là Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ.
Phan Khôi thuộc hàng con cháu của một dòng tộc nổi tiếng ở Điện Bàn. Ông sinh năm 1887, đỗ tú tài Hán học (khoa thi năm 1906), và tự học quốc ngữ và tiếng Pháp. Năm 31 tuổi, Phan Khôi bắt đầu bước vào làng báo với bài báo đầu tiên viết bằng chữ Hán đăng trên Nam Phong tạp chí. Từ năm 1919, tên tuổi ông bắt đầu xuất hiện trên các tờ báo lớn của Sài Gòn lúc bấy giờ như Quốc dân diễn đàn, Lục tỉnh tân văn, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Quần báo (Hoa kiều nhật báo), Trung lập, Công luận, Phụ nữ tân văn…
Những năm 1925-1933 được coi là thời kỳ “rực rỡ” nhất, “đánh dấu sự chuyển biến về chất của ngòi bút Phan Khôi” (Lại Nguyên Ân - Sơ lược về cuộc đời làm báo của Phan Khôi), cùng với các trận “bút chiến”, các bài viết gai góc về vấn đề đạo văn, vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” trên mặt báo, ngòi bút ông sung sức, đưa ra được nhiều nội dung và vấn đề mới mẻ, nhiều ý kiến độc đáo, chinh phục người đọc trong Nam ngoài Bắc. Có thể nói, Phan Khôi là một người Quảng đặc biệt nhạy bén với cái mới và cũng là người tiên phong đổi mới vì thế.
Trong số hàng chục tờ báo khác nhau mà ông cộng tác, nổi bật nhất, chỉ riêng tờ Trung lập báo đã đăng của Phan Khôi 600 bài viết, cho thấy bút lực của ông dồi dào thế nào. Cho đến bây giờ, nhiều nhà nghiên cứu vẫn rất hâm mộ Phan Khôi, người đã “viết báo để canh tân văn học” bởi những bài viết của ông tại mục “Phụ trang văn chương” trên tờ Đông Pháp thời báo và Trung lập báo - một dấu ấn về phương diện văn học của báo chí thời kỳ này.
Với vai trò một nhà báo, một nhà văn, Phan Khôi đã được đương thời và hậu thế ghi nhận tài năng của mình một cách xứng đáng. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân từng có nhiều bài viết về ông đã từng nhận xét rằng: “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn...”.
Phan Khôi còn nổi tiếng ở vai trò chủ bút Phụ nữ thời đàm, chủ bút báo Tràng An, sáng lập tuần báo Sông Hương (1936 - 1937), là tờ báo duy nhất do ông sáng lập, vừa làm chủ nhiệm vừa kiêm chủ bút (Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện đang lưu giữ trọn bộ 32 số).
Sưu tập Báo Sông Hương trọn bộ 32 số. |
Bùi Thế Mỹ: Nhân tài vắn số
Cùng với Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ với tuổi đời rất trẻ đã được xếp là một trong hai hiện tượng lạ của lịch sử báo chí miền Trung khi có tên trong “tứ đại” của làng báo Sài Gòn đầu thế kỷ XX.
Quê cha Duy Xuyên, quê mẹ Điện Bàn, Bùi Thế Mỹ vừa đỗ xong bằng thành chung ở Huế năm 1923, đã khăn gói vào Sài Gòn làm nghề dạy học kiêm viết báo. Các bài viết của ông đề cao tư tưởng tự do, dân chủ, bày tỏ ý chí và nguyện vọng phá bỏ ách đô hộ xiềng xích để vươn mình sống dậy truyền thống lịch sử vẻ vang của ông cha.
Không chỉ viết báo, cộng tác với nhiều báo, Bùi Thế Mỹ từng giữ vai trò chủ bút của Đông pháp thời báo,
Trung lập báo, Tân thế kỷ, Thần chung, Điện tín và Dân báo - những tờ báo lớn của Sài Gòn lúc đó. Mặc dù mất sớm ở tuổi 39, nhưng Bùi Thế Mỹ đã kịp có 20 năm làm báo và tài năng của ông đã được người cùng thời đánh giá rất cao. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đến viếng ông đã có câu đối ca ngợi ông là một người già dặn trong nghề và gọi ông là một nhân tài: Quốc văn báo giới nhị thập tải vu kim, đương đắc bằng trù thôi lão kiện; Nguyệt đán châu bình Ngũ Hành Sơn du tích, khẳng giao bút thiệp khuất nhân tài.
Tác giả cuốn Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.104), Tiến sĩ báo chí Huỳnh Văn Tòng đã viết về Trung lập báo - tờ báo tiêu biểu của Bùi Thế Mỹ như sau: “Trung lập báo là tờ báo phát hành 15.000 tờ một ngày, đứng đầu các nhật báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Tờ báo có cách trình bày đẹp trội hơn các đồng nghiệp khác”. Tiếc rằng báo đã bị đình bản vào năm 1939.
Hiện tại ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, những tờ báo gắn với tên tuổi nhà báo cự phách Bùi Thế Mỹ đều có mặt trong bộ sưu tập báo chí Việt Nam trước 1945 với một niềm tự hào rất đặc biệt.
TRẦN THỊ KIM HOA
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam