Văn hóa - Giải trí
Giá trị của bảo vật quốc gia
Đà Nẵng có 9 bảo vật quốc gia, tất cả đều đang được bảo vệ, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Những năm qua, bảo tàng luôn nỗ lực để bảo vệ và phát huy cao nhất giá trị của các bảo vật này. Đồng thời, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền công nhận các hiện vật khác trở thành bảo vật quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân, du khách.
Du khách chiêm ngưỡng phù điêu Đản sinh Brahma - một hiện vật được đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: X.D |
Những bảo vật giá trị
Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang lưu giữ hơn 2.000 hiện vật và trưng bày thường xuyên hơn 400 hiện vật tiêu biểu. Trong đó, có hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, gồm: đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Đông Dương, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara, tượng thần Ganesha và tượng Gajasimha, được đặt ở vị trí trung tâm, dễ nhận biết. Ngoài giá trị khó có thể đong đếm, mỗi bảo vật quốc gia đều có nét nổi bật riêng, góp phần thu hút du khách đến bảo tàng ngày một nhiều hơn. Nhiều đơn vị lữ hành mở tour du lịch đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm để du khách thưởng lãm những bức tượng có niên đại nghìn năm tuổi của nền văn hóa Chăm huyền thoại.
Theo thống kê của phòng Giáo dục và Truyền thông (Bảo tàng Điêu khắc Chăm), từ khi 6 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia, số lượng khách đến thưởng lãm tại bảo tàng tăng lên đáng kể. Từ năm 2011-2019 tăng từ 171.255 lên 286.938 lượt khách, đa phần là khách quốc tế; giai đoạn 2020-2022 lượng khách giảm đáng kể do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng đến năm 2023 đã khôi phục trở lại, thu hút 170.000 khách nội địa và quốc tế, tăng hơn 257% so với năm 2022.
Trong 6 bảo vật quốc gia, tượng Bồ tát Tara và tượng thần Ganesha có giá trị rất quan trọng nên được bảo tàng bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ mở cửa trưng bày bản gốc trong dịp đặc biệt. Liên quan đến một trong hai bảo vật này, cuối năm qua, tỉnh Quảng Nam đã bàn giao cho Đà Nẵng hai chi tiết (con ốc và hoa sen) của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara sau 45 năm lưu lạc. Trải qua bao biến thiên lịch sử, sự trở về này đã minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của ngành văn hóa hai địa phương trong việc chung tay giữ gìn di sản nói riêng, xây dựng và phát triển hai địa phương nói chung.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ cho hay, bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara được xác định là hiện vật quan trọng nhất của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Việc đưa hai di vật về với tượng gốc có giá trị quan trọng, giúp hoàn thiện bảo vật và di sản văn hóa Chăm, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của hiện vật trong hoạt động của bảo tàng. “Sở tiếp tục chỉ đạo bảo tàng triển khai phương án giới thiệu, phát huy tốt nhất giá trị của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara, nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân và du khách”, ông Vỹ nhấn mạnh.
Thêm 3 bảo vật mới
Ngày 18-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12) cho 29 hiện vật trên cả nước. Trong đó, thành phố Đà Nẵng có 3 hiện vật được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: tượng Shiva, phù điêu Đản sinh Brahma và phù điêu Apsara Trà Kiệu. Các hiện vật này được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Theo các thuyết minh viên của bảo tàng, phù điêu Apsara Trà Kiệu thể hiện các Apsara - nàng tiên trong thần thoại Ấn Độ, đang múa một vũ điệu mà hiện vẫn đang phổ biến trong nghệ thuật múa của Ấn Độ. Phù điêu này là một phần của đài thờ vũ nữ Trà Kiệu có kích thước khá lớn, cao khoảng 1,15m và rộng chừng 3m. Tuy nhiên, những gì còn lại cũng đủ minh chứng cho nền nghệ thuật điêu khắc đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Còn phù điêu Đản sinh Brahma là bức chạm khắc trang trí trên vòm cửa của tháp Mỹ Sơn E1, được đưa về bảo tàng năm 1935. Nội dung bức chạm là một chủ đề quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ, đó là truyền thuyết về sự hình thành vũ trụ của người Ấn Độ cổ xưa.
Trong khi đó, tượng Shiva được tìm thấy ở tháp Mỹ Sơn C1 năm 1903. Theo Henri Parmentier, người có công lớn trong xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm, đây là hình ảnh khất thực của thần Siva, do ông căn cứ vào hình dáng, trang phục và đặc biệt là hai cánh tay đưa ra phía trước của bức tượng. Tuy nhiên, người Chăm có tục thờ Thần - Vua, có khả năng đây là chân dung Thần - Vua, xuất hiện cuối thế kỷ 8, đầu thế kỷ 9, là loại tác phẩm rất hiếm trong nghệ thuật điêu khắc Chăm. Bởi lẽ, khi tế lễ người Chăm mới đeo đồ trang sức vào cho tượng thần, đồ trang sức thường là khuyên tai, vòng cổ và vòng tay (tác phẩm là hiện vật duy nhất hiện nay tìm thấy mà tai tượng được đục lỗ). Vào đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ Pháp đã tìm thấy bộ đồ trang sức của tượng thần ở trong tháp Mỹ Sơn C7, gần bên tháp C1 - nơi đặt bức tượng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là bộ trang sức được sử dụng để trang điểm cho tượng thần khi tế lễ.
Với 3 hiện vật mới được công nhận, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang là nơi duy nhất tại thành phố lưu giữ, trưng bày 9 bảo vật quốc gia. Đây là nỗ lực rất lớn của bảo tàng trong công tác nghiên cứu, làm hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền cũng như gìn giữ, phát huy giá trị hiện vật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách.
Phó Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Trần Đình Hà cho biết có 9 bảo vật quốc gia trong bảo tàng là niềm vui, vinh dự rất lớn của những người làm công tác giữ gìn; đồng thời khẳng định giá trị của bộ sưu tập điêu khắc Chăm mà bảo tàng đang lưu giữ, trưng bày. “Tại bảo tàng có nhiều hiện vật đáp ứng các tiêu chí là bảo vật quốc gia. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét, công nhận thêm các hiện vật khác trở thành bảo vật quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, tăng cường sự hiểu biết cho công chúng về các bảo vật nói riêng, hiện vật tại bảo tàng nói chung”, ông Hà nói.
KHÔI NGUYÊN