Đà Nẵng cuối tuần
Người khai khoa tiến sĩ ở huyện Hòa Vang
Hiếm họ tộc nào có người cha khai khoa tú tài, người con khai khoa tiến sĩ như họ Đỗ làng La Châu, huyện Hòa Vang.
Hậu duệ Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh và thầy trò Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh viếng mộ ông. Ảnh: K.H |
Cụ Đỗ Hữu Ninh, 88 tuổi, cháu đời thứ 13 họ Đỗ làng La Châu, gọi Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh là cao tổ (từ đời ông nội kể lên hai đời nữa). Cụ cho biết, thủy tổ họ Đỗ La Châu gốc ở Quảng Ngãi, vì cuộc chiến tranh Tây Sơn - Chúa Nguyễn nên đã ra lập nghiệp tại làng La Châu, tổng Phước Tường thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Thân phụ Đỗ Thúc Tịnh là cụ Đỗ Như Tùng, người đã theo gia đình từ Quảng Ngãi ra sống ở huyện Hòa Vang, xây dựng chi họ Đỗ ở đây. Hằng năm, con cháu họ Đỗ ở Hòa Khương vẫn trở về nguồn cội để giỗ chạp.
Những mảnh ký ức từ lâu được gói ghém trong lòng các bậc trưởng thượng nay lại được tái sinh qua cuộc chuyện trò với cháu con khiến lòng người thêm cảm phục. Theo cuốn Hòa Vang huyện chí của tú tài Trần Nhật Tỉnh, cụ Đỗ Như Tùng là “tú tài khai khoa” (đỗ tú tài đầu tiên) của Hòa Vang, sau đó làm Tri huyện huyện An Định. Đến phiên mình, nhờ thông minh hơn người và tinh thần hiếu học, Đỗ Thúc Tịnh đã đỗ tiến sĩ vào năm 1847 và trở thành “tiến sĩ khai khoa” của Hòa Vang.
Bài vị của Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh được đặt trang trọng trong nhà thờ họ Đỗ nay thuộc thôn Gò Hà, xã Hòa Khương. Mùi nhang trầm quấn quýt như anh linh của người xưa hiện về chứng thực cho lời kể của cụ Ninh: “Các cụ cao niên trong dòng tộc vẫn thường xuyên truyền dạy về tấm lòng hiếu hạnh của ngài Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh để con cháu đời sau rèn người. Đó là bài học quý giá mà cụ cao tổ chúng tôi để lại cho đời sau. Chúng tôi luôn biết ơn và gìn giữ”.
Đỗ Thúc Tịnh có cha làm quan nhưng nhà vẫn thuộc diện nghèo. Mẹ ông là bà Đinh Thị Thoại, một phụ nữ đảm đang, cần kiệm, trọng chữ nghĩa. Đến khi người cha mất sớm, người mẹ đã tảo tần nuôi 2 anh em ông ăn học nên người. Bà con trong làng vẫn còn kể rằng, mẹ ông là một hiền mẫu, luôn chăm sóc việc nhà, mỗi khi thấy giấy có chữ Nho rơi rớt là tiếc vô cùng, liền bỏ công thu nhặt, sắp xếp lại; thường đem việc trung hiếu, kinh sử dạy dỗ các con. Do ảnh hưởng đó, Thúc Tịnh nổi tiếng hiếu đễ, nuôi mẹ, thờ anh hết lòng thảo kính.
Sau khi đỗ tiến sĩ, Đỗ Thúc Tịnh được bổ làm tri phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng chỉ một thời gian ngắn ông phải xin về quê phụng dưỡng mẹ già đang ốm nặng. Gia phả họ Đỗ ghi lại: “Suốt ngày, ông quanh quẩn dưới gối, chẳng muốn xa lìa mẹ một phút”. Không lâu sau, năm 1851, mẹ ông qua đời. Theo lễ giáo phong kiến, ông về quê nhà cư tang mẹ 3 năm. Trong thời gian này, ông đã khởi xướng xây dựng Văn chỉ La Châu hãy còn dấu tích cho đến ngày nay.
Cụ Ninh kể tiếp: “Hồi về chịu tang mẹ 3 năm, có một lần ngài Đỗ Thúc Tịnh đang nằm ngủ trưa trên chiếc võng ở nhà ngang thì người anh ruột là Đỗ Như Bích qua chơi. Thấy em trai đang ngủ, cụ Bích đến lay gọi dậy nhưng vì ngủ quá say nên người em không nghe thấy. Khi thức dậy biết chuyện, ngài Tiến sĩ rất ân hận và trách mình là người không biết lễ nghĩa. Sáng hôm sau ông khăn đóng áo dài, biện trầu cau rượu sang nhà anh trai trai xin lỗi vì đã trót vô phép!”.
Câu chuyện về người xưa được kể lại trong không gian tĩnh lặng của ngôi từ đường tộc Đỗ khiến người nghe bồi hồi tưởng niệm qua lời ông Đỗ Thanh Trung, một hậu duệ đời thứ 13 tộc Đỗ làng La Châu: “Đương lúc làm quan, để tri ân tổ tiên, ngài Đỗ Thúc Tịnh đã cho người làm 5 cái am bằng gỗ trắc để cúng vào nhà thờ tộc Đỗ Quảng Ngãi, hiện vẫn còn ở đó”.
Cụ Đỗ Hữu Ninh bên phiên bản Bia Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh ở nhà thờ tộc Đỗ làng La Châu. Ảnh: K.H |
Sử sách chép rằng, trong thời gian ngắn 8 năm làm quan triều Nguyễn ở Khánh Hòa (1853-1861), trải qua các chức từ Tuần phủ Diên Khánh đến Án sát sứ rồi Bố chính sứ, Đỗ Thúc Tịnh đã thể hiện bản lĩnh và nhân cách của một người làm quan chính trực, yêu dân. Tại phủ Diên Khánh ông đã tổ chức hoạt động phòng thủ, xây dựng đời sống của cư dân, chấn hưng học phong, mộ dân khai khẩn đất hoang... trở thành biểu tượng của nhiều vị quan đương thời về tinh thần vì dân phục vụ.
Năm 1862, Đỗ Thúc Tịnh mất tại Vĩnh Long vì bạo bệnh. Cái chết của một vị quan đầy phẩm hạnh đã để lại cho người đời biết bao kính ngưỡng. Vua Tự Đức chỉ dụ: “Nay cấp một tấm gấm thêu, năm tấm lụa, mười tấm vải, tám chục lạng bạc. Các quan tỉnh thần tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ đưa về tận nguyên quán. Khi linh cữu ông được đưa về đến nhà, các quan tỉnh phải chuẩn bị lễ phẩm, vâng mệnh ta xin gia đình tổ chức lễ tế để an ủi linh hồn ông và để giữ tròn hậu đạo quân thần. Sau khi mọi việc xong xuôi, các tỉnh thần phải xuất hai trăm quan tiền để lo việc nuôi nấng con ông. Khi con ông đến tuổi trưởng thành bộ sẽ phúc tấu, để được lục dung. Hãy kính cẩn vâng mệnh!”.
Theo lời các hậu nhân tộc Đỗ làng La Châu thì ngày Đỗ tiến sĩ mất, không chỉ làng mà cả huyện mong ngóng từng ngày đón thi hài ông về với quê mẹ. Sau nhiều ngày tháng đi bộ, đi thuyền qua mấy tỉnh thành thì người con tài hoa, đức độ của vùng đất Hòa Vang đã quy cố hương. Mộ phần của ông được an táng tại Bàu Rèn, thôn 5, xã Hòa Khương. Bia Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh đang được lưu giữ tại Văn thánh thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Hội đồng dòng họ Đỗ La - Cư - Túy(1) đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho phép làm phiên bản bia để dựng tại khuôn viên mộ Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh và nhà thờ tộc Đỗ ở xã Hòa Khương.
Ở Đà Nẵng, phương danh của vị khai khoa tiến sĩ huyện Hòa Vang được đặt cho một Trường THCS ở xã Hòa Khương và một đường phố trên địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.
KHẢ HÂN
-----------------------------
(1). Theo giải thích của ông Đỗ Hữu Hòa, con trai cụ Đỗ Hữu Ninh, gồm họ Đỗ các làng La Châu xã Hòa Khương và Cư Nhơn (nay là thôn An Tân), Túy Loan đều thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.