Đà Nẵng cuối tuần

Nguyễn Phúc Tần và Nguyễn Phước Tần

09:45, 14/01/2024 (GMT+7)

* Ở Đà Nẵng tôi thấy có đường Nguyễn Phước Tần nằm trên địa bàn phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Trong khi đó ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng có một con đường mang tên Nguyễn Phúc Tần. Hai danh xưng này có lẽ đều chỉ chung một người, nhưng cách gọi nào đúng, Nguyễn Phúc Tần hay Nguyễn Phước Tần? (Bích Ngân, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Nguyễn Phúc Tần là tên ban đầu của vị chúa thứ 4 Nhà Nguyễn ở Đàng Trong, Nguyễn Phước Tần là tên gọi do kỵ húy. Ảnh: V.T.L
Nguyễn Phúc Tần là tên ban đầu của vị chúa thứ 4 Nhà Nguyễn ở Đàng Trong, Nguyễn Phước Tần là tên gọi do kỵ húy. Ảnh: V.T.L

- Tìm trên Google (hôm 8-1-2024) thấy Nguyễn Phúc Tần có khoảng 42.900 kết quả, gồm các trang báo mạng, gia phả Nguyễn tộc Việt Nam, lịch sử... Trong khi đó Nguyễn Phước Tần chỉ có khoảng 11.200 kết quả, gồm phần lớn là các trang quảng cáo, rao vặt mua bán bất động sản, các công ty, đơn vị kinh doanh dọc đường Nguyễn Phước Tần, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Sở dĩ có sự chênh lệch đó là do tên đúng của vị chúa thứ tư của Nhà Nguyễn là Nguyễn PHÚC Tần (chúng tôi nhấn mạnh).

Trang thuvienlichsu.vn cho biết: “Nguyễn Phúc Tần (16-7-1620 - 30-4-1687) tên thường gọi là Hiền Vương, là con trai thứ 2 của chúa Nguyễn Phúc Lan, là vị chúa thứ 4 của Nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Ông ở ngôi từ năm 1648-1687, tại vị được 39 năm”.

Sự biến đổi PHÚC thành PHƯỚC xuất phát từ một hệ lụy có tên là kỵ húy, kiêng húy. Húy kỵ hay kiêng húy (đôi khi gọi là kỵ húy hoặc tỵ húy) là việc tránh dùng một số tên để bày tỏ sự tôn trọng trong xã hội tại các nước quân chủ chuyên chế thuộc khu vực văn hóa chữ Hán. Theo luật của một số nước thời xưa, mọi người dân phải kiêng kỵ tên húy của vua bằng cách không được phép dùng để đặt tên cho con cái trong gia đình cũng như không được phép dùng trong văn tự hay trong lời nói hằng ngày.

Kiêng húy là một hệ lụy, đã diễn ra gần cả ngàn năm. Ngoài việc gây bất an cho người dân, vì nếu phạm húy, sẽ bị cấm đoán thi cử, đánh phạt; phạt tù, cao hơn là tru di tam tộc, cửu tộc. Nhất là gây ra phiền lụy: cưỡng bức làm lệch chuẩn ngôn ngữ Việt. Tác giả Mai Thanh Hải trong bài Kiêng húy - Sự khắc nghiệt vô lý đăng trên Báo Người lao động cho biết, lệnh kiêng húy đầu tiên trong lịch sử nước ta bắt đầu từ thời nhà Trần với việc Trần Cảnh ban hành quyết định các chữ quốc húy và miếu húy vào tháng Sáu năm Kiến Trung thứ tám. Trải qua các triều Lý, Lê, Mạc, chúa Trịnh, Tây Sơn việc kiêng húy ngày càng khắt khe hơn; khắt khe nhất và vô nghĩa nhất là vào thời bốn ông vua đầu Triều Nguyễn.

Cũng theo bài đã dẫn, không tính các lệnh ban bố truyền khẩu hoặc thất lạc, chỉ đếm trên giấy tờ của 40 lệnh kiêng, người ta đã kê ra được 531 lượt/chữ bị kiêng kỵ cấm húy dưới nhiều hình thức khác nhau. Toàn bộ lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam ghi được 40 lần ra lệnh kiêng kỵ, thì riêng triều đình Huế của mấy vua Nguyễn đã ban 22 lệnh, trong đó, người ra lệnh nhiều nhất và nhanh nhất là Thiệu Trị chỉ ngồi ngai vàng có 5 năm mà hạ đến 8 lệnh kiêng húy!

Cái khắc nghiệt nhất của Triều Nguyễn là mỗi vị vua phải kiêng 5 tên: Danh tự (tên cha mẹ đặt), Ngự danh (tên khi lên làm vua), Niên hiệu (tên triều đại), Thụy hiệu (tên khi chết), Miếu hiệu (tên thờ trong miếu). Cùng với cả kiêng húy người thân trong gia tộc, nên Triều Nguyễn có số lượng chữ kiêng húy nhiều nhất. Có thể kể lược thêm: Phúc → Phước; Sinh → Sanh; Chính → Chánh; Hồng → Hường; Cảnh → Kiểng; Kính → Kiếng; Thái → Thới; Lĩnh → Lãnh; Ánh → Yếng; Hoa → Huê; Hoa → Bông; Thì → Thời; Đường → Đàng; San → Sơn; Tuyền → Toàn, Chân → Chơn; Đảm → Đởm; Nguyên → Ngươn,...

ĐNCT

.