Văn hóa - Giải trí
Lễ hội truyền thống đầu xuân: Nhiều hoạt động sôi nổi, gần gũi cộng đồng
Từ sau Tết Giáp Thìn 2024 đến nay, các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố tổ chức những lễ hội truyền thống, mang đặc trưng văn hóa, nếp sống địa phương. Năm nay, các lễ hội được tổ chức quy mô hơn với nhiều hoạt động sôi nổi, gần gũi với cộng đồng, tạo nên không khí rộn ràng, phấn khởi đầu xuân năm mới và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Giải đua thuyền truyền thống trên sông Túy Loan là hoạt động hấp dẫn nhất của lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: X.D |
Chỉ trong nửa đầu tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024, các địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang tổ chức 5 lễ hội truyền thống, mỗi lễ hội thu hút hàng trăm người dân và du khách tham dự. Trong số đó, sớm nhất là lễ hội đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) diễn ra trong hai ngày 18 và 19-2 (nhằm mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng âm lịch) với nhiều hoạt động phần lễ và hội hấp dẫn. Theo UBND xã Hòa Phong, năm nay, phần lễ có đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ rước sắc, tế lễ, thả hoa đăng trên sông. Các hoạt động phần hội được tổ chức đa dạng về hình thức và nội dung như hát hò khoan, hô hát bài chòi, chương trình ẩm thực mỳ Quảng Túy Loan; thi tráng mì, thi nướng bánh tráng, gói bánh tét và các trò chơi dân gian…
Điểm mới trong lễ hội năm nay là các hoạt động được trải đều trong các buổi của cả hai ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng, giải đua thuyền có 4 đội đua thuộc thôn Túy Loan và hoạt động cờ người quy mô hơn. Nhờ vậy, thu hút được đông đảo người dân địa phương, các phường, xã lân cận và du khách tham dự.
Ông Nguyễn Công Đức, người dân xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) chia sẻ: “Tôi thấy rất phấn khởi khi ban tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan đã tổ chức một lễ hội với nhiều hoạt động rất hấp dẫn, tạo điều kiện cho người dân tham gia, vui chơi trong những ngày đầu xuân. Mong rằng, lễ hội này sẽ được duy trì lâu dài để bà con huyện Hòa Vang nói chung, thế hệ trẻ nói riêng được hưởng thụ không khí Tết tươi vui, có thêm hiểu biết về phong tục tập quán mà cha ông để lại”.
Cùng thời gian tổ chức với lễ hội đình làng Túy Loan, ngày 18-2 vừa qua, tại quận Liên Chiểu diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cu Đê. Đây là lần đầu tiên giải trở lại sau 4 năm bị gián đoạn, kể từ khi Covid-19 bùng phát. Theo ban tổ chức, đây là hoạt động mang ý nghĩa cầu cho “Quốc thái dân an”, “Mưa thuận gió hòa”; đồng thời, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân quận Liên Chiểu vào dịp Tết đến, xuân về. Lần này, lễ hội trở lại quy mô hơn với sự tham gia gần 200 vận động viên của 8 đội thuyền đua nam, nữ đến từ các quận: Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Các đội đua đã nỗ lực tranh tài, tạo nên không khí sôi nổi, nhộn nhịp, thu hút sự tham gia cổ vũ của hàng nghìn người dân.
Quận Liên Chiểu là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống trong tháng Giêng. Trong đó, phường Hòa Minh có hai lễ hội được tổ chức liên tiếp, gồm: lễ hội đình làng Hòa Mỹ từ ngày 19 đến 22-2 và lễ hội đình làng Hòa Phú ngày 21 và 22-2. Từ thời gian tổ chức, có thể thấy lễ hội đình làng Hòa Mỹ năm nay được tổ chức quy mô hơn các năm.
Ông Phan Minh Quý, Trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng Hòa Mỹ cho biết, phần lễ của lễ hội được ban tổ chức tiến hành theo nghi thức truyền thống, có lễ vọng, lễ cầu quốc thái dân an và lễ giỗ ngài tiền hiền, hậu hiền. Phần hội có chương trình cổ động xe hoa, thi hát hò khoan, bài chòi; các trò chơi dân gian như: đập om tìm báu vật, bịt mắt bắt vịt, phiên chợ quê, giao lưu bóng đá.
Lễ hội đình làng Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu) có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Ảnh: X.D |
“Các hoạt động của lễ hội mang tính thuần khiết, thực tiễn, tạo ra không gian vui vẻ trong những ngày đầu xuân. Qua đó, để bà con dân làng giao lưu, vui chơi giải trí, động viên nhau bước vào năm mới thuận lợi, may mắn”, ông Quý cho hay. Từ ngày 23 đến 25-2, tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) diễn ra lễ hội cầu an và tế âm linh Xuân Giáp Thìn 2024 với các hoạt động như: văn nghệ “Cả làng cùng hát”, giẫy mả âm linh, lễ túc, lễ chánh tế âm linh.
Trong tháng Giêng và đầu tháng 2 âm lịch, tại huyện Hòa Vang sẽ diễn ra nhiều lễ hội khác như: lễ hội đình làng Bồ Bản, làng Dương Lâm, làng Xuân Phú, làng Cẩm Toại, lễ hội Tắt bếp Trà Kiểm… Đáng chú ý, cuối tháng Giêng, quận Sơn Trà sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư năm 2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn. Tương tự, quận Thanh Khê tổ chức lễ hội cầu ngư năm 2024 từ ngày 27 đến 29-2 tại quảng trường Hà Khê, đường Nguyễn Tất Thành với gần 20 hoạt động văn hóa - thể thao.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công cho biết, phần lễ của lễ hội được tổ chức theo nghi thức truyền thống, mang bản sắc văn hóa địa phương. “Lễ hội cầu ngư được xác định là hoạt động điểm nhấn về văn hóa - lễ hội của quận, góp phần tăng khả năng thu hút khách du lịch nhằm phát triển kinh tế địa phương. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư, tự nguyện giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn quận đến với thế hệ mai sau”, ông Công nhấn mạnh.
Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra từ 25 đến 29-3 Dự kiến, chương trình lễ hội năm nay có 38 hoạt động nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao. Trong đó, có một số hoạt động mới như: khóa tu hạnh nguyện Quán âm (dự kiến khoảng 500 phật tử), thi nhiếp ảnh nghệ thuật Non Nước Ngũ Hành Sơn lần thứ nhất, thi viết cảm nhận về các tác phẩm của thư viện Vạn Hạnh, thi ký họa về lễ hội Quán Thế Âm, tổ chức ngày chạy Olympic vì hòa bình… |
KHÔI NGUYÊN