Đà Nẵng cuối tuần
Người xưa từng ăn Tết Nguyên đán vào tháng Mười một?
* Tôi nghe các vị cao niên nói rằng, ngày xa xưa, người ta ăn Tết Nguyên đán vào tháng Mười một năm trước chứ không phải tháng Giêng năm mới như bây giờ. Điều nay hư thực như thế nào? Tết Nguyên đán có phải xuất phát từ Trung Quốc? (Trần Văn Tương, quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Một gian chợ Tết tại Lễ hội Tết Việt huyện Hòa Vang năm 2024. Ảnh: V.T.L |
- Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam được tính vào đầu năm Âm lịch, thường có nhiều tên gọi khác nhau, như: Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết ta, Tết cổ truyền. Một điều lạ là có một quãng thời gian người ta ăn Tết Nguyên đán vào tháng Mười một (tháng Tý) chứ không phải tháng Giêng (tháng Dần) như ngày nay.
Theo bài “Tại sao gọi là Tết Nguyên đán?” của GS Nguyễn Lân Dũng đăng trên Báo Người lao động, Tết Nguyên đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế bên Trung Quốc và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, tức tháng Dần, làm tháng đầu năm. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng Chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng Mười một, làm tháng Tết. Về ngày giờ “tạo thiên lập địa”, các vua chúa này quan niệm rằng: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người; từ đó mà đặt ra ngày Tết khác nhau.
Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần, tức tháng Giêng. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng Mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) quay lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng Giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Báo Thanh Niên trong bài “Người Việt xưa ăn Tết tháng 11 âm lịch; là dịp làm mới, hàn gắn” đã dẫn lời TS Nguyễn Ngọc Thơ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) trao đổi về nội dung này. Theo đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng vào thời Hùng Vương, Tết Nguyên đán diễn ra vào tháng Tý (đầu tháng 11 âm lịch) khi tiết trời chuẩn bị se lạnh. Do vậy, Tết Đoan ngọ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch rơi vào đúng nửa năm nên nhiều người gọi Tết Đoan ngọ là Tết nửa năm. Sau này trong quá trình tiếp xúc văn hóa và hội nhập với khu vực, ngày Tết đã được dịch chuyển từ đầu tháng Tý (tháng 11) sang đầu tháng Dần (tháng Giêng).
TS Nguyễn Ngọc Thơ cho biết thêm, hiện nay vẫn còn nhiều dấu vết cho thấy những vùng đất cổ như Phú Thọ vẫn còn kỷ niệm ngày đầu tháng 11 như: xông đất, hái rau rừng, ăn những loại đất có khoáng chất vào người, mở cửa rừng...
Hiện phần lớn thông tin cho rằng Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam vào thời điểm 1.000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân Dũng dựa vào truyện cổ tích lịch sử Việt Nam “Bánh chưng bánh giầy” khẳng định rằng người Việt Nam đã có dịp lễ Tết Nguyên đán từ đời vua Hùng, nghĩa là trước 1.000 năm Bắc thuộc.
ĐNCT