Văn hóa - Giải trí
Bảo tồn và phát triển văn hóa trà Việt
Trà Việt không chỉ là thức uống mà còn là một nét văn hóa truyền thống, bởi ở đó kết nối những giá trị tinh thần, phong tục, tập quán của người Việt. Việc truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hiểu và yêu mến trà giúp họ biết cách thưởng một cách tinh tế, đồng thời qua đó gìn giữ và bảo tồn văn hóa trà Việt của dân tộc.
Sản phẩm trà dây được trưng bày và giới thiệu tại chương trình tọa đàm “Văn hóa trà Việt”. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG |
Hình thành những loại trà mới
Ở nước ta, từ lâu trà đã có mặt trong đời sống hằng ngày và các nghi lễ quan trọng, đặc biệt là không thể thiếu trong những cuộc gặp gỡ bạn bè và các dịp lễ hội. Trà Việt được biết đến với sự đa dạng về chủng loại và hương vị nhưng tất cả đều phản ánh sự tinh tế và phong phú của văn hóa Việt. Ngày nay, trà không chỉ là thức uống của thế hệ trước mà còn được giới trẻ yêu thích, sử dụng. Cùng với các loại trà truyền thống, hiện nay xuất hiện nhiều loại trà mới để đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại như trà sữa, trà dưỡng sinh, trà dưỡng nhan…
Chị Lê Thị Ngọc Anh, chủ cơ sở dược liệu Bách Hội Hòa Vang (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết, hiện cơ sở có các loại trà làm từ khổ qua rừng và nấm linh chi rừng. Đây là những sản phẩm còn nguyên sơ, chưa qua sơ chế nên vẫn giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.
“Để phục vụ tốt khách thưởng trà, chúng tôi mở quán trà dưỡng sinh Bách Hội. Khách thích uống sản phẩm nào thì chọn theo từng đơn trà riêng. Chúng tôi vẫn giữ văn hóa pha trà truyền thống như dùng những nguyên liệu tự nhiên như sành, sứ nên giữ được mùi thơm của trà. Trà Bách Hội giúp mát gan, thanh nhiệt cơ thể, hỗ trợ tốt cho người thiếu máu, mất ngủ... Sản xuất các loại trà này, chúng tôi mong muốn chuyền tải đến mọi người lựa chọn trà phù hợp cho sức khỏe khi quay trở về với thiên nhiên bằng chính những dược liệu có sẵn ở xung quanh mình”, chị Anh chia sẻ.
Trong khi đó, anh Lê Anh Tú, chủ doanh nghiệp HTX chè dây Hòa Bắc lại quan tâm đến cây chè dây đặc trưng ở vùng núi Hòa Vang. Anh Tú triển khai trồng cây chè dây đã được 5 năm và đến nay phát triển diện tích lên khoảng hơn 1ha.
Anh Tú cho biết: “Chúng tôi đã mạnh dạn triển khai mô hình thí điểm này và sau đó học hỏi thêm kinh nghiệm của người dân ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam để cho ra sản phẩm ngon hơn trước. Nước trà dây là một dược liệu quý giúp giải độc gan, ngủ ngon và hỗ trợ điều trị đối với bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP. Hiện nay, người dân Đà Nẵng đã biết đến loại trà dây và sử dụng nhiều hơn. Chúng tôi cũng đã xuất sang thị trường Lào và Nhật Bản. Trong thời gian tới, chúng tôi đầu tư máy móc sản xuất cao chè dây và quảng bá rộng hơn đến các công sở để sử dụng như thức uống hằng ngày”.
Ngoài chè dây và các dược liệu quý từ rừng và vườn nhà, một số doanh nghiệp còn tận dụng các nguyên liệu từ hoa sâm để tạo thành thức uống bổ dưỡng và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho địa phương. Đến với thị trường Đà Nẵng, chị Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia cho biết, nguyên liệu là hoa sâm từ cây sâm bố chính được trồng ở vùng đất A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Trà hoa sâm được thu hoạch ở giai đoạn cây được 3,5 - 6,5 tháng nên có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe. Hiện trà hoa sâm đã được các resort, khách sạn tin dùng và mua làm quà tặng cho khách.
Tạo sân chơi kết nối doanh nghiệp
Để tạo sự kết nối giữa các đơn vị sản xuất trà và những người yêu trà, đồng thời nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa trà Việt, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực thành phố Đà Nẵng đã phối hợp Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam và khách sạn Furama tổ chức chương trình tọa đàm “Văn hóa trà Việt” với chủ đề “Mở cánh cửa trà Việt” vào ngày 1-12. Ông Lý Đình Quân, Chủ tịch Hội Văn hóa ẩm thực thành phố Đà Nẵng cho biết, chương trình này có ý nghĩa thúc đẩy bảo tồn văn hóa trà Việt và hình thành nét văn hóa mới.
“Văn hóa uống trà vừa thúc đẩy bảo tồn văn hóa trà, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Ý nghĩa lớn nhất trước mắt là bảo tồn cũng như mở cánh cửa tri thức về trà cho những người yêu mến trà và những người sản xuất kinh doanh trà. Thứ hai là tạo sân chơi cho những cá nhân, tổ chức sản xuất trà nhằm phát huy nguồn lực, sáng tạo trong kinh doanh. Từ đó thúc đẩy hình thành những ngành kinh tế mới và những giá trị văn hóa mới. Đặc biệt, trong thời gian gần đây có sự xuất hiện trà dây được sản xuất ở Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Hội có trách nhiệm kết nối, gắn kết những người sản xuất trà dây, thúc đẩy quảng bá trà dây và văn hóa trà dây đến với mọi người”, ông Quân giải thích.
Tuy lần đầu tổ chức tại Đà Nẵng, chương trình tọa đàm “Văn hóa trà Việt” đã thu hút 7 doanh nghiệp trong và ngoài thành phố Đà Nẵng tham gia. Bên cạnh đó, còn có nhiều người yêu trà đến xem trình diễn nghệ thuật pha trà truyền thống từ các nghệ nhân hàng đầu Việt Nam về trà và thưởng thức các loại trà đặc sản đến từ khắp mọi miền đất nước. Qua đó cho thấy, trà không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên mà còn là kết quả của nghệ thuật chế biến và thưởng thức đã được truyền qua nhiều thế hệ. Sự tinh tế trong nghệ thuật thưởng trà còn phản ánh các giá trị văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán của mỗi địa phương. Chính sự hiểu biết về trà sẽ giúp thế hệ trẻ trân trọng, gìn giữ và phát triển văn hóa trà Việt trên nền tảng văn hóa trà truyền thống.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG