Văn hóa - Giải trí

Đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa

07:01, 06/12/2024 (GMT+7)

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cần được quan tâm đầu tư đúng mức để góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Tiềm năng từ di tích văn hóa, lịch sử

Với định hướng phát triển kinh tế du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch sử, thời gian qua, thành phố quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa thông qua việc đầu tư tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng, truyền thống địa phương, khai thác tốt các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch. Một số di tích đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động triển khai xây dựng các đề án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch như đề án Bảo tồn và phát huy giá trị đình Lỗ Giáng của UBND quận Cẩm Lệ; đề án Du lịch cộng đồng Nam Ô của UBND quận Liên Chiểu; đưa vào khai thác các chương trình nghệ thuật truyền thống như “Hồn Việt”, “Tuồng xuống phố”, “Sân khấu bài chòi”… để phục vụ người dân và du khách.

Các lễ hội đình làng, lễ hội tôn giáo cũng được tổ chức ngày càng quy mô và đi vào nền nếp, có nét mới nhưng vẫn bảo đảm nội dung, ý nghĩa truyền thống, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Bà Phan Thị Xuân Mai, Trưởng phòng Quản lý di sản, Bảo tàng Đà Nẵng, cho hay: “Cùng với việc phát huy giá trị di sản văn hóa, thời gian qua Bảo tàng Đà Nẵng quan tâm công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 71 di tích cấp thành phố và 9 bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm”.

Đặc biệt, hệ thống ma nhai danh thắng Ngũ Hành Sơn chính thức được Hội đồng Ủy ban chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cuối năm 2022. Đây là di sản được công nhận ở tầm khu vực đầu tiên của Đà Nẵng và được các thành viên của hội đồng MOWCAP đánh giá cao bởi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra như: tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học.

Với một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, ma nhai Ngũ Hành Sơn được xem là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế. Những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục là nguồn tiềm năng lớn để khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, cho biết từ đầu năm đến nay, khu di tích danh thắng đón hơn 1 triệu lượt khách. Để đáp ứng phục vụ tốt du khách, đội ngũ hướng dẫn viên của ban quản lý được trau dồi kiến thức chuyên sâu nên việc truyền đạt nội dung đầy đủ và truyền cảm hơn, từ đó giúp quảng bá vẻ đẹp danh thắng Ngũ Hành Sơn, cũng như di sản ma nhai đến bạn bè trong và ngoài nước hiệu quả hơn.

Du khách tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Du khách tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Đánh thức di sản văn hóa để phát triển du lịch

Nhằm khai thác và phát huy tốt giá trị các di tích, UBND thành phố ban hành đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, thành phố xác định, nghiên cứu, đánh giá khả năng phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch của hệ thống di tích trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng đánh giá cách tổ chức không gian du lịch, sức chứa phù hợp khả năng chịu tải của tài nguyên, môi trường du lịch tại di tích.

Với những mục tiêu đặt ra, thành phố phấn đấu đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho 5 di tích có khả năng phát triển du lịch, đáp ứng đủ điều kiện để công nhận là điểm đến theo quy định của Luật Du lịch, bao gồm đình Hải Châu, đình Túy Loan, cụm di tích Nam Ô, khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang, nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu.

Từ đó hình thành những sản phẩm du lịch văn hóa có chất lượng, kết nối các điểm di sản, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, phát triển, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương; xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh gắn với các loại hình du lịch MICE, du lịch làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng… theo hướng du lịch xanh. Trong đó, tập trung tạo dựng và khai thác hiệu quả hơn di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu…

Đặc biệt, tiếp tục đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường thủy nội địa nhằm phát huy các giá trị di tích lịch sử, các nghề truyền thống tại các làng quê dọc tuyến sông, nhất là các tuyến sông Hàn - khu căn cứ cách mạng K20, tuyến du lịch sông Cu Đê, tuyến sông Hàn - Túy Loan - Thái Lai…   

Theo ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Đà Nẵng có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển các ngành văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa. Đây là một trong những lĩnh vực được xác định mũi nhọn, ưu tiên phát triển của thành phố. Một số di tích trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. “Những năm qua, ngành văn hóa bước đầu quan tâm định hướng phát huy hệ thống di tích, lễ hội trong hoạt động kinh tế du lịch. Bên cạnh các bảo tàng chuyên biệt, các di tích danh thắng đã góp phần hình thành các khu điểm du lịch trọng điểm đóng góp lớn vào thu hút du khách”, ông Xử nhấn mạnh.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.