.

Văn hóa - Giải trí

Đưa tuồng và bài chòi vào học đường: Truyền cảm hứng nuôi dưỡng văn hóa truyền thống

17:30, 14/03/2025 (GMT+7)

Ngành giáo dục và đào tạo phối hợp ngành văn hóa nỗ lực trong việc giáo dục văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là đưa tuồng và bài chòi vào học đường. Qua đó, khơi dậy tình yêu, nâng cao nhận thức của học sinh trong việc bảo tồn di sản dân tộc.

Nghệ nhân bài chòi đệm hát và hướng dẫn cho các em học sinh hát dân ca bài chòi. Ảnh: THIÊN DUYÊN
Nghệ nhân bài chòi đệm hát và hướng dẫn cho các em học sinh hát dân ca bài chòi. Ảnh: THIÊN DUYÊN

Nỗ lực không ngừng

Là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm đưa dân ca bài chòi vào trường học, đến nay huyện Hòa Vang có 100% CLB “Em hát dân ca” trong các trường tiểu học, THCS (30 trường). Để duy trì, nâng cao hiệu quả các CLB, huyện mời các nghệ nhân hát dân ca bài chòi trực tiếp đứng dạy các lớp bồi dưỡng hát dân ca cho đội ngũ giáo viên môn âm nhạc, truyền dạy tới các em học sinh. Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu học đường để các cô giáo có thể nắm bắt kiến thức cơ bản hát các làn điệu dân ca bài chòi, nâng cao kỹ năng biểu diễn trên sân khấu.

Là một trong những nghệ nhân trực tiếp đứng lớp truyền dạy hát dân ca trong trường học, chị Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm CLB bài chòi Sông Yên (huyện Hòa Vang), chia sẻ: “Khi tham gia lớp học hát, học sinh rất say mê tập luyện. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều em đã bộc lộ được năng khiếu hát dân ca của mình. Đến nay, hầu hết giáo viên và các em đều nắm một cách chắc chắn gần 30 làn điệu cơ bản về dân ca Khu 5. Dù sau này, các em học sinh không đứng trên sân khấu biểu diễn trong tương lai, nhưng ít nhất, các hoạt động cũng đã tạo ra thế hệ khán giả trẻ hiểu biết về dân ca bài chòi”.

Bên cạnh bài chòi, nghệ thuật tuồng xứ Quảng được ngành giáo dục và đào tạo cùng ngành văn hóa đặc biệt quan tâm, đưa vào trường học với nhiều hình thức. Trong đó, phổ biến nhất là chương trình giới thiệu nghệ thuật tuồng với học sinh, sinh viên do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện mỗi năm 30 buổi. Đặc biệt, nhà hát chủ động xây dựng trích đoạn tuồng phù hợp từng độ tuổi học sinh. Ví dụ, diễn cho học sinh tiểu học thì chủ yếu tạo sự hào hứng, vui vẻ, như vở “Anh hùng cờ lau”; với học sinh THCS, nhà hát chọn trích đoạn gắn với những nhân vật lịch sử như Lương Thế Vinh, Trạng Quỳnh.

Trong khi đó, ở các trường THPT, trích đoạn thường gắn với một số tác phẩm được giới thiệu trong chương trình học, giúp học sinh có cái nhìn đầy đủ để bổ sung vào bài học về nghệ thuật sân khấu trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ văn. Nguyễn Thị Thu Hiền, học sinh lớp 11, Trường THPT Phan Châu Trinh, chia sẻ: “Được xem các nghệ sĩ biểu diễn tuồng tại sân trường, em rất ấn tượng. Nếu học sinh biết được những chi tiết mang tính ước lệ, điển tích, điển cố thì vở diễn trở nên dễ hiểu, dễ cảm hơn”.

Bảo tồn di sản từ khán giả trẻ

Tuồng xứ Quảng và dân ca bài chòi lần lượt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản phi vật thể đại diện nhân loại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, những loại hình sân khấu truyền thống này đang đứng trước nguy cơ thiếu khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Chưa kể, nếu không có lớp kế cận, hoặc có lớp kế cận mà không có kế hoạch bồi dưỡng lâu dài, để mất đi là điều đáng tiếc.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, những năm qua, thành phố có chủ trương đưa bài chòi, tuồng vào trường học, nhưng chưa thường xuyên và triển khai sâu rộng. Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc trong điều kiện công chúng thiếu như vậy, phải phổ cập đến toàn bộ các trường. “Việc đưa tuồng và bài chòi vào trường học mục đích là tạo thế hệ công chúng yêu mến tuồng và bài chòi, yêu mến di sản văn hóa phi vật thể của cha ông chứ không nhằm đào tạo diễn viên. Nếu sau này có em nào mê mà đi theo phát triển sự nghiệp là điều rất đáng mừng”, ông Tiếng nói.

Chung quan điểm, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Trần Ngọc Tuấn cho rằng, những hoạt động đưa bài chòi hay tuồng vào học đường nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, hiểu biết về văn hóa xã hội, các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc cho các em học sinh, sinh viên, đặc biệt là tạo ra đội ngũ khán giả trẻ và nguồn cung ứng nghệ sĩ diễn viên cho nghệ thuật dân tộc trong tương lai.

Để đạt được mục tiêu này, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố sẵn sàng tham mưu, phối hợp mở các lớp học, cuộc thi, liên hoan nghệ thuật các cấp và xây dựng giáo án, chương trình giới thiệu các loại hình nghệ thuật đến học sinh, sinh viên. Đồng thời, giới thiệu các nghệ sĩ, diễn viên có trình độ chuyên môn cao để tham gia công tác giảng dạy, đào tạo, hỗ trợ các câu lạc bộ và địa phương trong việc xây dựng phong trào nghệ thuật ở cơ sở.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, điểm sáng trong chương trình giáo dục văn hóa, nghệ thuật của Đà Nẵng là sự hợp tác với cộng đồng và các nghệ nhân địa phương. Nhiều trường học thường xuyên mời các nghệ sĩ đến giao lưu, dạy các lớp học ngắn hạn về nghệ thuật truyền thống. Tài liệu giáo dục địa phương mà sở triển khai có hệ thống bài giảng phong phú và đa dạng, phù hợp với từng cấp học.

Ở cấp tiểu học, học sinh được làm quen với các làn điệu dân ca. Lên đến THCS và THPT, chương trình càng được mở rộng với những tiết học chuyên sâu hơn về lịch sử, mỹ thuật và các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng và bài chòi. Dù đã có những thành công rõ nét, song công tác giáo dục văn hóa nghệ thuật vẫn gặp nhiều thách thức, do thiếu hụt giáo viên chuyên môn, hạn chế về cơ sở vật chất, nhận thức chưa đồng đều từ phụ huynh và học sinh.

Thời gian tới, sở tăng cường đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chuyên môn, tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nghệ sĩ địa phương, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy văn hóa nghệ thuật, góp phần định hình một thế hệ trẻ ý thức và trách nhiệm với văn hóa dân tộc.

THIÊN DUYÊN

.