.

Văn hóa - Giải trí

Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

07:21, 11/03/2025 (GMT+7)

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2025 diễn ra từ ngày 16 đến 19-3 (nhằm ngày 17 đến 20-2 âm lịch), với nhiều chương trình, hoạt động đa dạng, phong phú.

Lễ hội Quán Thế Âm thu hút hàng  vạn đồng bào phật tử, người dân địa phương và du khách tham gia.  Ảnh: Xuân Dũng
Lễ hội Quán Thế Âm thu hút hàng vạn đồng bào phật tử, người dân địa phương và du khách tham gia. Ảnh: XUÂN DŨNG

Lan tỏa thông điệp về tình thương yêu

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Quán Thế Âm năm nay tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo phật tử, người dân và du khách tham gia.

Các hoạt động chính diễn ra tại lễ hội gồm: lễ khai mạc diễn ra lúc 17 giờ 30 ngày 16-3 (nhằm ngày 17-2 âm lịch); lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm diễn ra lúc 7 giờ ngày 18-3 (nhằm ngày 19-2 âm lịch). Đây là lễ chính thức của lễ hội thu hút hàng vạn phật tử và người dân tham gia, với mong muốn lan tỏa thông điệp về tình thương yêu, hướng lòng thành về Đức Quán Thế Âm, cầu nguyện cho đất nước luôn được hòa bình ấm no, nhân dân an lạc, hạnh phúc.

Ông Tạ Tự Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội, cho biết lễ vía được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng phục vụ người dân thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước theo dõi. Bên cạnh đó, lễ hội còn có lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa, lễ tế Xuân cầu quốc thái - dân an. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gồm: Pháp đàn đại bi, thiền tọa, thuyết pháp, Quán đảnh Quán Âm, hoa đăng, lửa trại sẽ được chùa Quán Thế Âm và các đạo tràng tổ chức xuyên suốt trong lễ hội.

“Đặc biệt, năm nay lễ hội có hai hoạt động ý nghĩa, đó là chương trình đi bộ vì hòa bình với đại diện hơn 300 cơ quan, tổ chức của thành phố, các lãnh sự quán nước ngoài tại Đà Nẵng do Ủy ban Hòa bình thành phố đăng cai và tọa đàm “Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn’. Đây thật sự là những hoạt động thiết thực phát huy giá trị và nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, ông Bình nhấn mạnh.

Dịp này, ban tổ chức trưng bày, tổng kết và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quan Âm - Mùa lễ hội”, cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi và trình diễn trực họa, ký họa về Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn; khai mạc cuộc thi hùng biện sách “Văn học với Phật giáo”; khai mạc triển lãm mỹ thuật tranh sen vẽ bằng chất liệu sơn dầu của họa sĩ Kim Chi Hoàng; triển lãm các tranh ảnh, đá, thư pháp, thư họa… và ra mắt đặc san Diệu Âm lễ hội Quán Thế Âm năm 2025. Đặc biệt, lễ hội có hoạt động diễu hành xe hoa trên các tuyến đường của thành phố để tuyên truyền cho lễ hội và chào mừng 50 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2025).

Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc

Cùng với các lễ hội mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật, Lễ hội Quán Thế Âm năm nay còn diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng đài sen ngọc” của nhà hát Trưng Vương, biểu diễn các tác phẩm đặc san Diệu Âm và nghệ thuật múa Thái Lan do chùa Quán Thế Âm và Hội nghệ sĩ phật tử Đà Nẵng thực hiện; chương trình nghệ thuật do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố biểu diễn.

Bên cạnh đó là các hoạt động hô hát bài chòi, các góc trà thư pháp kết hợp biểu diễn âm nhạc dân tộc; triển lãm ảnh về danh thắng Ngũ Hành Sơn và ma nhai Ngũ Hành Sơn; triển lãm mỹ thuật, hội họa, tranh ảnh, thư pháp; trưng bày và biểu diễn chế tác nghệ thuật đá mỹ nghệ Non Nước; múa lân sư rồng, nhảy sạp, không gian “Ẩm thực chay Việt”… của các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện.

Chia sẻ trước thềm lễ hội, NSNA Quảng Bá Hải, Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng, cho biết tại Lễ hội Quán Thế Âm, chi hội trưng bày triển lãm với chủ đề “Quan Âm-Mùa lễ hội”, trong đó các bức ảnh tập trung vào văn hóa Đà Nẵng. Hiện chi hội đang chờ duyệt ảnh và cấp giấy phép triển lãm.

Là phật tử có nhiều năm tham gia hoạt động cho chữ ở lễ hội Quán Thế Âm, chị Huỳnh Đoan Vy (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) hồ hởi cho biết: “Năm nay CLB thư pháp Chiêu Nhân xin sư trụ trì chùa bố trí một không gian bày trí để cho chữ. Các thành viên trong CLB sẽ cho chữ Hán Nôm, còn tôi sẽ cho chữ Việt bằng thư pháp. Để chuẩn bị cho sự kiện này, tôi đã luyện viết chữ từ lâu nên cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được các phật tử đón nhận”.

Ngoài các hoạt động trên, lễ hội còn có hội đua thuyền truyền thống, hội cờ làng, kéo co, trèo cây chuối đoạt cờ, thi đi cà kheo tiếp sức… Đồng hành cùng lễ hội năm nay là sự kiện ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2025.

Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, ban tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm tiêu chí “5 không”: không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội; không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không chèo kéo khách, nâng giá, ép giá; không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan, qua đó góp phần tổ chức lễ hội đặc sắc, an toàn, văn minh.

Năm 2021, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2023 đến nay, lễ hội được UBND thành phố chủ trì tổ chức với quy mô cấp thành phố.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.