.

Văn hóa - Giải trí

Nét đẹp lễ hội đầu Xuân

08:23, 01/03/2025 (GMT+7)

Lễ hội làng là nét đẹp văn hóa của người Việt có từ lâu đời, thường diễn ra sau Tết Nguyên đán. Mỗi lễ hội mang một ý nghĩa, sắc thái riêng, nhưng điểm chung là sự hoài niệm, tưởng nhớ những người có công với đất nước, địa phương. Đây cũng là hoạt động gắn kết cộng đồng, tăng tình đoàn kết cộng đồng.

Lễ nghinh Nam Hải Thượng đẳng thần tại bãi biển Hà Khê về vị trí sân khấu.  Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Lễ nghinh Nam Hải Thượng đẳng thần tại bãi biển Hà Khê về vị trí sân khấu. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Phát huy giá trị văn hóa đình làng

Cứ đến ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng âm lịch, người dân các thôn trên địa bàn xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) nô nức về dự lễ hội đình làng Túy Loan. Năm nay, công tác tổ chức tinh gọn nhưng vẫn diễn ra đầy đủ các phần nghi lễ quan trọng cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút dân làng và du khách đến tham dự.

Chia sẻ về lễ hội năm nay, ông Đặng Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, lễ hội đình làng Túy Loan được tổ chức hằng năm nhằm góp phần bảo tồn văn hóa dân gian và di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với phần lễ, xã tổ chức nhiều hoạt động như trò chơi dân gian, đua thuyền và một số chương trình văn nghệ hò khoan, đối đáp, hô bài chòi, từ đó làm phong phú thêm lễ hội. Đặc biệt, năm nay Ban tổ chức mời nhiều thành phần bà con ở các nơi xa về dự, góp phần chung tay tôn tạo, trùng tù các di tích trên địa bàn xã.

Có thể thấy, không khí rộn ràng của mùa xuân không chỉ thể hiện ở sắc màu rực rỡ của các lễ hội truyền thống, mà còn ở tinh thần văn minh, trật tự ngày càng được nâng cao. Năm nay nhiều lễ hội có điểm mới trong công tác tổ chức, quản lý, vừa góp phần tôn vinh di tích, vừa phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân và du khách.

Nhiều năm đảm nhiệm vai trò trưởng ban lễ làng, ông Đặng Nga (Túy Loan, xã Hòa Phong, Hòa Vang) cho biết: “Lễ hội đình làng Túy Loan diễn ra vào tháng Giêng không chỉ tạo điều kiện cho người dân và du khách du Xuân đón Tết, mà còn giúp bà con làm ăn phương xa có cơ hội về thăm hỏi người thân và dâng hương tưởng nhớ các vị tiền nhân. Thông qua lễ hội, chúng tôi mong muốn con cháu luôn biết trân trọng và gìn giữ văn hóa đình làng Túy Loan nói riêng cũng như văn hóa dân tộc nói chung”.

Lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà năm nay được tổ chức tại lăng ngư Ông (phường Mân Thái). Lễ hội luân phiên hằng năm giữa 3 phường Mân Thái, Nại Hiên Đông và Thọ Quang nhằm tỏ lòng tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân có công lập miếu, lập lăng thờ cá Ông; đồng thời cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tàu thuyền được thuận buồm xuôi gió, mùa màng bội thu, ngư dân có cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc.

Ngoài các nghi lễ truyền thống, Ban tổ chức xây dựng chương trình đan xen nhiều hoạt động văn hóa mang đậm tính dân gian của làng chài như: Hát bài chòi, hát bả trạo, chèo, tuồng … kết hợp với các hoạt động thể thao như: đẩy gậy, gánh cá, bơi thúng, kéo co.... Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, Trưởng ban tổ chức lễ hội khẳng định, từ thời vua Gia Long và các đời nhà Nguyễn, cá voi được ban sắc phong tặng là “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn Thần”, công nhận tục thờ cúng cá Ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung.

Lễ hội cầu ngư là dịp để ngư dân - những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả, đặt niềm tin tuyệt đối vào sự hiển linh của cá Ông khi gặp nạn, thể hiện khát vọng được bình yên trong cuộc sống, cầu mong một năm “Trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang”.

Đề cao tính cộng đồng

So với các lễ hội cầu ngư trên địa bàn thành phố, lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân, từ lâu đã trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của bà con ngư dân, là sinh hoạt văn hóa, tinh thần không thể thiếu của địa phương. Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 17 đến ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ.

Bên cạnh các lễ hội chính như lễ nghinh thần, lễ cúng tế rước ngài Nam Hải Thượng đẳng thần và lễ cầu an, Ban tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao mang tính cộng đồng cao như: hát bả trạo, biểu diễn thuyền buồm, thuyền sup, đan lưới, thi ngoáy thúng, thi gánh cá, thi kéo co, thi đẩy gậy, đấu vật tay… Qua đó tạo điều kiện cho người dân tham gia sôi nổi. Bởi với đời sống cộng đồng miền biển, đây là lễ trọng lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa, cầu ngư, tế ngư thần, vừa bày tỏ khát vọng một năm trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang.

Tuy năm nay không đến phiên đứng ra tổ chức nhưng ông Võ Văn Tâm, chủ bá phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) đến dự lễ từ rất sớm. Ông Tâm đã có 12 năm kinh nghiệm làm chủ bá làng, 5 năm làm hội chủ của xóm Thanh Hòa, 5 năm làm phân hiến của làng và 10 năm làm chánh bái làng. Mặc dù đây là công việc vất vả nhưng ông luôn cảm thấy hạnh phúc khi được đóng góp công sức vào lễ hội. “Mỗi năm, dân làng các phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Hà Khê thay phiên đảm nhận làm chủ bá. Năm nay đến lượt phường Thanh Khê Tây đứng ra tổ chức chính.

Các hoạt động đều theo hình thức xã hội hóa do nhân dân 3 phường đóng góp. Công việc chủ bá tuy có phần vất vả, nhưng tôi luôn cảm thấy vinh hạnh khi mình được góp phần duy trì phần lễ cúng do ông bà để lại và tiếp nối cho con cháu sau này”, ông Tâm chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Gia Hân, học sinh lớp 11/9, Trường THPT Thanh Khê cho biết: “Gia đình con có ông ngoại đi biển nên được ông bà ngoại dắt đi xem lễ hội Cầu ngư từ nhỏ. So với trước đây, lễ hội bây giờ vẫn được duy trì gần giống như xưa. Qua đó, con được tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa địa phương”.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Đỗ Nguyên Ngọc, đời sống đánh bắt cá của người dân đã song hành với sự khai hoang lập làng của lớp truyền nhân trên vùng đất này. Các thế hệ người dân làng chài Thanh Khê cha truyền con nối hun đức nhiều kinh nghiệm trong ứng xử sóng gió trong mùa biển động để khai thác hải sản đạt hiệu quả. Ngày nay, nghề khai thác hải sản ở làng biển Thanh Khê vẫn được duy trì, phát triển, đời sống tâm linh của người dân vạn chài vẫn được lưu giữ. Đây chính là nền tảng chủ yếu cho việc tổ chức lễ hội cầu ngư và duy trì hằng năm.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.