.

Văn hóa - Giải trí

Đình Phú Thượng

07:30, 24/02/2025 (GMT+7)

Theo các tài liệu lịch sử, làng Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) hình thành khoảng thế kỷ XVI. Tuy nhiên, không có nguồn tài liệu nào cho biết đình Phú Thượng xây dựng năm nào. Chỉ biết trước đây đình được xây dựng trên một gò đất cao bằng tranh tre nứa lá, làm nơi thờ Thành hoàng và các dòng họ Nguyễn, Phạm… có công lập làng.

Không gian đình Phú Thượng ngày nay. Ảnh: HUỲNH LÊ
Không gian đình Phú Thượng ngày nay. Ảnh: HUỲNH LÊ

Sau nhiều lần di dời do mưa lũ, đình chuyển về xứ Đồng Chùa với kiến trúc 3 gian 2 chái kiểu đình Bắc Trung Bộ. Đình rộng khoảng 120m2, lúc đầu lợp ngói âm dương, qua thời gian xuống cấp, năm 1972, người dân làng Phú Thượng góp tiền sửa sang, trùng tu, lợp lại bằng ngói xi măng. Cột, kèo, xuyên, trính làm bằng gỗ mít.

Đình gồm hai phần chính là chánh điện và hậu tẩm. Phần chánh điện có diện tích 44,25m2, gồm 6 ban thờ: ban thờ giữa, ban thờ tả, ban thờ hữu, 2 ban thờ hai đầu hồi và ban thờ hội đồng đặt giữa trung tâm nhà chánh điện. Các ban thờ được trang trí hình long phụng có khắc chữ Hán, còn khá nguyên vẹn. Ở ban thờ chính, giữa là chữ “Thần”, hai bên ghi câu đối chữ Hán. Tương tự, hai bên “tả ban”, “hữu ban” cũng ghi câu đối chữ Hán mang nội dung thể hiện sự tôn kính của người xưa đối với công lao của các vị Thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền của làng.

Hiện nay, nền chánh điện được tráng xi-măng, bao quanh là tường xây. Nhà chánh điện gồm 2 bộ vì kèo liên kết theo kiểu kèo chuyền tam đoạn. Hai con đội nằm trên hai thanh trính cùng với phần đuôi của các xuyên, trính được cách điệu bằng những đường cong uốn lượn, đối xứng, thể hiện sự mềm mại, uyển chuyển cho cả tổng thể kiến trúc. Xà gồ là một thanh gỗ dài nằm sát, song song phía dưới đòn đông và ăn mộng vào phần cổ của trụ đội. Phần chánh điện hiện còn 12 cột, chân các cột được kê trên những tảng đá hình vuông.

Phía trên gian giữa có đặt một hương án, là nơi cất giữ sắc phong. Trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt” được cách điệu. Bốn đầu bờ dải trang trí hình các tứ linh. Bao quanh sân đình là bờ tường xây bằng đá chè cao khoảng 0,7m. Phía trước đình có bức bình phong cao 2,98m, rộng 2,30m, dày 0,56m, hai bên xây cột trụ lớn. Trên hai cột trụ là hình hai con lân nhỏ được đắp bằng sành sứ. Mặt trước bình phong (nhìn từ ngoài vào) đắp nổi hình con hổ và mặt trong đắp nổi bằng sành sứ hình long mã.

Nhìn chung, đình Phú Thượng mang kiến trúc nghệ thuật đình làng xưa và có giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian. Năm 2012, đình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Hiện đình còn giữ 8/16 sắc phong từng được triều đình nhà Nguyễn trao tặng. Hằng năm, dân làng tổ chức nhiều lễ tế quan trọng, đặc biệt là lễ cầu quốc thái dân an diễn ra ngày 15,16-3 (âm lịch). Ngoài ra, dân làng còn làm lễ cúng Âm linh ngày 16-6 (âm lịch), lễ cúng Thiên Y A Na ngày 24-1 (âm lịch) và ngày 24-12 (âm lịch) tổ chức lễ cúng minh niên, lễ thượng nêu và hạ nêu...

HUỲNH LÊ

.