Một ngày trời mưa, ngại nấu nướng, tôi ghé vào lề đường mua 3 chiếc bánh mì. Bà cụ bán bánh mì cẩn thận bọc bánh mì cho tôi trong hai lần túi bóng vì sợ nước mưa lọt vào làm hỏng bánh. Ba chiếc bánh mì có giá 9.000 đồng.
Nhưng hết tiền lẻ, tôi đưa bà cụ tờ 500.000 đồng. Bà lắc đầu vì không có tiền trả lại, bảo con cứ mang bánh về đi, hôm sau trả bà cũng được. Tôi ái ngại, muốn dừng xe chạy sang bên kia đường để đổi tiền. Nhưng bà nhất định xua tay, sang bên đường xe cộ trời mưa nguy hiểm, con cứ về đi kẻo mưa nguội hết bánh, mai trả bà đâu có muộn…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi về nhà trong cơn mưa, tự hỏi, sao bà cụ lại cho mình mua chịu bánh một cách nhẹ nhàng như vậy nhỉ. Lời nói, gương mặt của bà không một chút lo lắng, hồ nghi…
Ngày hôm sau, tôi đi làm về sớm, dừng xe trả tiền cho bà cụ. Không khỏi tò mò, tôi hỏi: “Bà ơi, sao hôm trước bà lại cho cháu nợ tiền bánh của bà? Nhỡ cháu không quay lại trả bà thì sao? Bà còn không biết tên cháu đấy”. Bà cụ trả lời: “Con không quay lại, chắc là con có vấn đề gì đó, thì lúc khác con sẽ quay lại”.
Tôi bắt đầu thấy bà cụ có một thứ ánh sáng gì đó hấp dẫn, khiến tôi không thể dứt ra được. Và tôi ngồi đó, bên bà từ chiều đến tối, chỉ để nghe bà kể chuyện. Trong câu chuyện kể của bà, thỉnh thoảng lại có sự tham gia của bác xe ôm vắng khách dựng xe ngồi ké dưới cái ô tán rộng của quầy bánh xen vào. Bà đã bán bánh mì ở đây hơn chục năm. Và bác xe ôm cũng chọn điểm này để đứng đợi khách quen khoảng gần chục năm…
Nghe chuyện của bà cụ, tôi biết mình không phải người đầu tiên, cũng không phải người cuối cùng bà sẵn sàng bán bánh mì chịu. Bà không có sổ ghi chép ai mua chịu của bà, không cần biết tên người mua. Bà không bao giờ nghi ngờ hay kì kèo một ai đó mua bánh chịu của bà là phải nhớ trả tiền cho bà. Với đầu óc khôn ngoan máy móc của dân công sở, ban đầu tôi nghĩ bà “hơi có chút vấn đề”. Ngoài đường đôi khi kẻ gian nhiều hơn người tốt, bà bán chịu như vậy thì vốn liếng của bà mấy chốc cạn. Nhưng tôi đã nhận được câu trả lời thỏa đáng: “Con có thể không tin, chứ bà gần như chưa bao giờ bị quỵt tiền. Tất nhiên người mua chịu bánh mì của bà có thể không trả bà ngay, vì họ có một lý do gì đó, nhưng một năm, thậm chí hai năm sau họ vẫn quay lại để trả tiền cho bà. Bà nghèo lắm, cơ nghiệp của bà chỉ có cái quầy bánh vỉa hè này thôi. Gọi là quầy cho sang chứ chỉ một hai cái thúng và một cái ô. Mà người mua bánh mì thường xuyên, con biết đấy, đa phần là người nghèo. Mà người cùng cảnh thì thương nhau lắm. Trừ khi nhỡ độ quên ví tiền hay tiền quá lớn bà không đủ để trả lại thì hôm sau trả bà, còn lại nhiều người mua chịu bánh của bà vì họ thực sự không có đủ tiền mua một cái bánh mì đấy con ạ. Lúc người ta đói, giúp họ miếng ăn, họ ấm cái bụng, thì họ sẽ không bao giờ quên mình”.
Bác xe ôm nghe chuyện đến đấy thì tiếp nối kể cho tôi nghe thêm nhiều câu chuyện khác liên quan đến việc bán bánh mì chịu của bà cụ. Có lần, một tên trộm, chắc vì đói, cùng đường, cứ loanh quanh suốt buổi chiều ở khu vực bà bán bánh mì. Chắc hắn chỉ đợi bác xe ôm gặp khách, không ngồi kè kè bên bà cụ thì hắn sẽ giật mấy chiếc bánh của bà. Nhưng rủi thay hôm đó bác xe ôm lại ế khách quá. Bác dặn bà cụ rằng nếu con chở khách đi thì bà phải cho hết bánh vào dưới thúng. Bà cụ cười bảo, anh đừng lo, để tôi gọi nó lại đây. Bà mới với tay gọi tên trộm lại, nhẹ nhàng: “Con ơi, bà thấy con loanh quanh từ chiều đến giờ ở đây, bà nghĩ con chưa ăn gì, đang đói bụng. Con có ăn bánh mì không? Nếu con không có tiền thì bà bán chịu cho con, khi nào có con quay lại trả bà cũng được”. Tên trộm nhìn bà quá đỗi bất ngờ, dĩ nhiên là hắn sáng mắt lên, rối rít mua chịu 5 chiếc bánh của bà rồi chuồn thẳng. Bác xe ôm mới hỏi bà cụ: “Nó là một thằng trộm, bà bán chịu cho nó là xác định mất, sao không cho luôn nó một cái rồi đuổi nó đi”. Bà cụ nói, bà tin một ngày nào đó tên trộm sẽ quay lại trả tiền cho bà. Và quả vậy, 2 năm sau, có một người quay lại tìm bà trả tiền 5 chiếc bánh mì. Bà cụ đã quên anh ta, nhưng anh ta thì nhớ. Anh ta nói, ngày đó chỉ loanh quanh đợi lúc bà sơ hở sẽ “thó” chiếc bánh mì của bà, vì đói quá. Nhưng cái với tay của bà, cũng với những chiếc bánh mì đã làm anh ta tỉnh ngộ. Anh ta tiếp tục làm tên “trộm vặt” một thời gian nữa rồi giải nghệ, đi làm công nhân ở một khu công nghiệp. Và luôn luôn nhớ tới hình ảnh bà cụ già lưng còng bán bánh mì ở một ngã tư…
Có thể lúc nào đó ta không còn tin người, vì cuộc sống xung quanh quá nhiều bất trắc, quá nhiều dối gian. Ta trao cho ai chút gì đó với đầy hoài nghi, rằng liệu ta có được trả lại. Mất lòng tin là một cảm giác đáng sợ. Nó làm ta mất đi cảm hứng sống, cảm hứng yêu thương. Có thể bạn không tin, nhưng chính câu chuyện về bà cụ bán bánh mì đã vực dậy lòng tin vào con người, ít nhiều đã mất, trong tôi…
BÌNH NGUYÊN TRANG