.

Ứng dụng thương mại điện tử

.
Thương mại điện tử (TMĐT) là phương thức kinh doanh giúp nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là công cụ tiện ích giúp DN cắt giảm chi phí, tìm kiếm thị trường, các khách hàng mới và cơ hội đầu tư… Một thực tế cho thấy, đa số các DN nước ta là DN vừa và nhỏ, trang thiết bị CNTT chưa được đầu tư đồng bộ, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm về TMĐT còn yếu và thiếu. Do đó, mặc dù tỷ lệ kết nối cao nhưng việc ứng dụng TMĐT còn nhiều khó khăn. Không những thế, vấn đề bảo mật và an ninh mạng của các DN còn rất yếu (khoảng 12% DN quan tâm).

Mô tả ảnh.
Thương mại điện tử góp phần giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.   (ảnh mang tính chất minh họa)
 
Để hỗ trợ DN ứng dụng, phát huy thế mạnh của TMĐT, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng CNTT Đà Nẵng cho biết: “Để đẩy mạnh việc phát triển TMĐT cho các DN, hằng năm thành phố đã hợp tác với VCCI tổ chức các cuộc hội thảo về ứng dụng CNTT trong DN. Năm 2010 vừa qua, 17 hội thảo được tổ chức, trong đó đáng chú ý là với sự hướng dẫn của GS-TS Nguyễn Trường Hải (chuyên gia hàng đầu về hệ thống nhúng) đã giúp các DN tiếp cận một cách thấu đáo hơn về hệ thống TMĐT, giúp kết nối các trang web cho các DN”. Theo số liệu khảo sát của trung tâm trên, khoảng 28% DN trên địa bàn có nhận thức về bản quyền máy tính, 90% DN biết sử dụng phần mềm quản lý kế toán, 27% biết sử dụng phần mềm quản lý khách hàng, 31% biết sử dụng phần mềm quản lý tiền lương. Bình quân mỗi DN có 10,7 máy tính, 47% DN có mạng nội bộ, 78% DN có kết nối Internet...
 
Nhìn chung, cơ sở hạ tầng CNTT của Đà Nẵng tương đối tốt, chỉ số sẵn sàng kết nối của các DN đạt mức khá, đa số đều có ứng dụng thư điện tử. Nhiều DN đã thiết lập được một mạng lưới quan hệ khách hàng, bán hàng, hỗ trợ và quản lý khách hàng qua Internet rộng rãi; phát huy những sản phẩm độc đáo của mình để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, đồng thời xây dựng các chiến lược marketing, chú trọng đầu tư, xây dựng website nhằm giới thiệu sản phẩm, tìm đối tác kinh doanh… Các doanh nghiệp như Công ty Cao su Đà Nẵng, Công ty Dược Danapha, Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, Vinatex Đà Nẵng… đã sử dụng các phần mềm quản trị nhân lực IRP, phần mềm quản lý quan hệ khách hàng CRM trong công việc. Hầu hết các DN đã xây dựng nền tảng hỗ trợ TMĐT qua việc thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, thanh toán điện thoại, bán hàng qua mạng. Một số doanh nghiệp còn có các dịch vụ trả lời tự động, giải đáp thắc mắc qua điện thoại, hỗ trợ chăm sóc khách hàng....

“Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng Cổng TMĐT với tên miền là www.danang.biz.vn. Gần 200 DN đã có website riêng để có thể tìm hiểu các thông tin về thị trường trong nước và quốc tế, các cơ hội đầu tư và các dự án đang kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực thương mại và du lịch. Cho đến nay, đã có 82,4% DN ứng dụng CNTT nâng cao năng suất lao động, 55,7% DN nâng cao chất lượng sản phẩm, 55,6% DN nâng cao khả năng cạnh tranh”, ông Nguyễn Quang Thanh cho biết thêm.

Cùng với sự nỗ lực đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các DN và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, tin rằng các DN Đà Nẵng sẽ chủ động đề ra những chiến lược thích hợp, vượt qua khó khăn để phát triển TMĐT, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

Bài và ảnh: Thanh Tình
;
.
.
.
.
.