Như vậy là bóng đá Việt Nam đã bước vào tuổi thứ 11 lên chuyên nghiệp, nhưng cũng từng ấy năm, sự khác biệt theo hướng tích cực không đổi; ngoài việc, ngoại binh được nhập tịch ồ ạt trong một giai đoạn khá dài. Để từ bấy đến nay, chất lượng bóng đá Việt Nam vẫn phải dựa vào các cầu thủ nước ngoài.
Khi Merlo bùng nổ, SHB Đà Nẵng sẽ chiến thắng - một hình ảnh tiêu biểu cho sự lệ thuộc của bóng đá Việt Nam với các cầu thủ ngoại. |
Không phủ nhận những đóng góp rất đáng kể của lực lượng cầu thủ ngoại, đến từ châu Phi, châu Âu, Nam Mỹ lẫn những cầu thủ ngoại gốc Việt. Sự góp mặt của họ đã mang lại cho bóng đá Việt Nam một sức sống mới khi lối chơi của các CLB chuyên nghiệp đa dạng hơn, cầu thủ Việt Nam có cơ hội cọ xát thường xuyên với những đối thủ có ưu thế về thể hình, thể lực. Qua đó, khá nhiều cầu thủ Việt phải tự “nâng chất” trong cả sinh hoạt, tập luyện, thi đấu để có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu chiến thuật ở mỗi đội. Thế nhưng, việc lệ thuộc quá lớn cầu thủ ngoại đã có không ít tác động tiêu cực đến bóng đá Việt Nam nói chung và các CLB nói riêng.
Bất chấp VFF nỗ lực không ngừng trong việc tổ chức và phối hợp tổ chức các giải bóng đá trẻ nhằm xây dựng lực lượng kế thừa cho bóng đá nước nhà nhưng trước chỉ tiêu thành tích, hầu hết các tài năng trẻ rất hiếm hoi được các CLB trao cơ hội. Chưa kể đến sự đỏng đảnh của các trụ cột nước ngoài không ít lần khiến các CLB chao đảo.
Ngay từ những trận đấu đầu mùa, Bình Dương phải “nếm trái đắng” khi đưa về sân Gò Đậu cầu thủ lắm tài, nhiều tật Leandro từ Hải Phòng. Dĩ nhiên, Lee Nguyễn chỉ trở thành “kép phụ” cho Leandro, dù tài năng không thiếu. Chính sự lệ thuộc ấy khiến Bình Dương đang phải ở một vị trí không tương xứng. Hoàng Anh Gia Lai còn thảm hại hơn với vị trí thứ 3 từ dưới lên khi Evaldo không còn là “thần tài” và Benjamin chẳng phải là “của trời cho” như mùa giải trước. Ngược lại, khi Samson hay Merlo “nổ súng”, đồng nghĩa với những thành công cho Đồng Tháp hay SHB Đà Nẵng.
Và cũng oái oăm thay khi sau vài ba mùa “ăn cơm” V-League, phần lớn cầu thủ ngoại cũng “nhiễm bệnh” như các đồng nghiệp Việt Nam.
Yêu sách không được đáp ứng, họ sẵn sàng giở chứng. Ngay các cầu thủ ngoại của Đà Nẵng, vốn được xem là “lành tính” nhưng chẳng phải không biết cách “chơi chiêu”. Song khi đã “sống nhờ” ngoại binh, hầu hết các CLB đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Có lẽ, đã đến lúc các CLB cần có sự thống nhất trong việc quản lý, tuyển mộ ngoại binh để hạn chế những rủi ro vốn có. Nếu không, với cách tuyển dụng như hiện nay, chính các CLB sẽ trở thành nạn nhân từ chính cách làm của mình. Và bóng đá Việt Nam cũng phải chịu tác động xấu một khi làn sóng ngoại binh đang từng bước chi phối sân cỏ nước nhà...
NGUYÊN AN