.
Ngày 26-2, sân Hàng Đẫy

CLB Bóng đá Hà Nội - SHB Đà Nẵng: Phải thắng!

.

Chiến thắng 2-0 trước Hà Nội T&T đã mang lại cho SHB Đà Nẵng rất nhiều điều. Về chuyên môn, thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức đã trở lại top 3. Không những thế, khoảng cách với các đội xếp trên được thu hẹp. Chưa nói đến áp lực tâm lý vơi đi đáng kể, nhà cầm quân Lê Huỳnh Đức cũng dần tìm ra rất nhiều lời giải cho đội bóng sông Hàn.

Sẽ là cơ hội lớn cho SHB Đà Nẵng (quần sáng) khi đối thủ của họ là CLB Bóng đá Hà Nội (quần sẫm) vẫn chưa cho thấy những nét lạc quan về mọi mặt.
Sẽ là cơ hội lớn cho SHB Đà Nẵng (quần sáng) khi đối thủ của họ là CLB Bóng đá Hà Nội (quần sẫm) vẫn chưa cho thấy những nét lạc quan về mọi mặt.

Ngoài Timar và bộ đôi Merlo - Niko cùng Ngọc Nguyên, các vị trí còn lại trên sân đều là những cầu thủ trưởng thành từ bóng đá Đà Nẵng. Vì thế, “chất Đà Nẵng” thể hiện rõ nét trong lối chơi của họ ở cuộc “nội chiến” vừa qua.

Minh Phương không có tên trong thành phần xuất phát nhưng “người đóng thế” Nguyên Sa có một màn biểu diễn đáng ghi nhận. Thanh Hưng cũng trưởng thành hơn trong vai trò “thủ lĩnh”. Dọc hai biên, bộ đôi Duy Lam - Hùng Sơn và Quốc Anh - Ngọc Nguyên đều thể hiện năng lực của mình ở mức cao nhất. Thanh Bình cũng có một trận đấu đáng nhớ. Niko từng bước hòa nhập để “giảm tải” cho Merlo trong nhiệm vụ tung lưới đối phương.

Thế nhưng, chiến thắng 2-1 trên sân nhà trước Đồng Tháp cũng đã tiếp một luồng sinh khí cho CLB Bóng đá Hà Nội sau 5 trận chỉ mới một lần chiến thắng. Hơn nữa, bàn thắng giải tỏa “cơn khát” của Công Vinh được xem sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực cho tiền đạo số 1 Việt Nam.

Vậy mà, chẳng mấy ai lạc quan để nghĩ đến việc đội bóng thủ đô đang chuyển biến theo chiều hướng tốt. Rất đơn giản bởi sự lắp ghép đầy khiên cưỡng cầu thủ từ Hà Nội ACB và Hòa Phát Hà Nội đang tạo ra những tiềm ẩn nguy hiểm. Trên lý thuyết, hàng công với Thành Lương - Công Vinh - Timothy được đánh giá rất “khủng” tại V-League. Khó khăn lớn nhất của ông Nguyễn Thành Vinh là khả năng tạo nên sự gắn kết của 3 cầu thủ - vốn từ 3 đội bóng khác nhau - để xây dựng được sức công phá.
Ở Hòa Phát Hà Nội, Timothy trở thành “tâm điểm” của lối chơi, dựa vào sự hỗ trợ của các vệ tinh. Tại Hà Nội T&T, Công Vinh được đánh giá ngang bằng với “gà son” Gonzalo. Với Hà Nội ACB, Thành Lương đương nhiên là thủ lĩnh khi mọi đường bóng triển khai tấn công đều qua chân tiền vệ này.

Bây giờ, Timothy vẫn giữ nguyên thói quen ích kỷ, buộc đồng đội phục vụ cho anh. Dù đã “xuống nước”, Công Vinh không thể giấu đi sự bực dọc - có lúc chán nản - bởi thói quen của Timothy. Trong đội bóng mới, vai trò Thành Lương cũng không còn đáng kể. Với những cá tính như thế và với cái tôi quá lớn của từng người, đội bóng của ông Vinh đã thể hiện sự nghèo nàn về ý tưởng chơi bóng, dẫn đến nghèo nàn cả kết quả thi đấu.

Phải chăng CLB Bóng đá Hà Nội có một chu kỳ 2 thất bại trước Hà Nội T&T (0-1) trên sân nhà và gặp chủ sân Kiên Giang (2-3) trước trận thắng nhiều điều tiếng trước Khánh Hòa (4-0). Để rồi, sau đó, họ lại thua liền 2 trận trước Bình Dương (1-3) rồi Hoàng Anh Gia Lai (1-2) trước khi vượt qua Đồng Tháp!

Dĩ nhiên, những thống kê chỉ mang tính tham khảo nhưng cũng khó đặt niềm tin vào việc đảo ngược tính chu kỳ của CLB Bóng đá Hà Nội. Bởi lẽ, sau chiến thắng quan trọng trước Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng không muốn sẩy chân lần nữa để bị bỏ lại trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Cũng ở mùa giải này, đội bóng của Lê Huỳnh Đức chưa một lần tìm được niềm vui chiến thắng khi xa “hậu cứ” Chi Lăng chỉ với 1 hòa, 1 thua. Đây là lúc để SHB Đà Nẵng tìm được chiến thắng sân khách đầu tiên. Nếu không, việc giành thắng lợi ở cuộc “nội chiến” vừa qua sẽ là vô nghĩa với thầy trò Lê Huỳnh Đức.

Bài và ảnh: BẢO AN
 

;
.
.
.
.
.