.
Nggày 3-3, sân Chi Lăng

Trẻ SHB Đà Nẵng - Quảng Nam : Khi “người xưa” trở về…

.

Ngày được biệt phái vào giúp bóng đá Quảng Nam cách đây gần 5 mùa bóng, Trần Vũ ra đi trong lặng lẽ. Khoảng thời gian khá dài đó, với vị HLV này là những chuỗi ngày buồn. Đội bóng Quảng Nam vốn dĩ thuộc phận “con nhà nghèo”, cả về tiền bạc lẫn lực lượng. Vì thế, Trần Vũ phải chấp nhận cảnh “ăn đong” và điệp khúc “trụ hạng” lắm lúc khiến ông nản lòng.

Trần Vũ chỉ có một lựa chọn duy nhất cho đội bóng của mình.
HLV Trần Vũ

Nhưng rồi vì tình nghĩa với quê hương, vì nhiệm vụ được giao, Trần Vũ cũng phải gắng gượng qua từng mùa giải cùng các học trò để không phải trở lại hạng nhì.

Trước thềm mùa bóng 2012, bóng đá Quảng Nam đón nhận tin vui khi Công ty cổ phần Đầu tư QNK Quảng Nam tiếp nhận đội bóng. Sự nhiệt thành cùng thái độ đầu tư nghiêm túc của nhà tài trợ này dường như tạo cơ hội cho Trần Vũ thỏa chí bằng chỉ tiêu top 5 và phấn đấu thăng hạng Chuyên nghiệp kể từ mùa giải 2013.

Mừng nhiều, nhưng lo cũng lắm!

Mùa giải 2011 khép lại với những sự việc kém vui khi Công ty CP Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam “xù nợ” lương và thưởng cầu thủ. Còn cả việc hàng loạt cầu thủ kết thúc hợp đồng khiến lực lượng Quảng Nam vốn mỏng, nay lại càng mỏng hơn.

Vậy mà, với một bộ khung bình thường gồm những Nhật, Thanh Thế, Văn Việt, Tiến Thành, Văn Minh, thủ môn Hồng Điệp hay những “tân binh” Văn Quý, Văn Hiếu, Benjamin, Muranda…, QNK Quảng Nam cho thấy, họ không hề tầm thường, như một thời quá khứ. Chưa có được thứ “bột” tốt nhất, song Trần Vũ đã biết “gột nên hồ” khá chất lượng.

Vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng, hơn các ứng viên thăng hạng như Đồng Tâm Long An đến 4 điểm và SQC Bình Định 5 điểm là những gì mà đội bóng của Trần Vũ làm được sau 7 vòng đấu vừa qua. Thành quả ban đầu cũng phần nào khẳng định được tài thao lược của nhà cầm quân này trong cuộc đua không kém phần quyết liệt, dù chỉ là ở sân chơi hạng nhất.

Trở lại Chi Lăng lần này, hẳn trong Trần Vũ có quá nhiều cảm xúc đan xen. Một thời là “công thần” của bóng đá QN-ĐN, Trần Vũ từng là “Vua phá lưới” giải Bóng đá Trường Sơn (1976) khi còn khoác áo đội tuyển QN-ĐN và sau đó, trở thành HLV đầu tiên mang về cho bóng đá QN-ĐN danh hiệu Vô địch quốc gia 1992, đoạt Cúp Quốc gia 1993; trước khi đưa bóng đá Đà Nẵng chiến thắng tại giải Bóng đá Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006).

Một thời, Trần Vũ từng dẫn dắt Phan Công Thìn - HLV trưởng đội bóng đá Trẻ SHB Đà Nẵng - và không ít gương mặt ở phần sân đối diện vào chiều 3-3 này như Nguyễn Xuân Nam, Lê Văn Hoàng, Võ Ngọc Quốc, Giang Trần Quách Tân… từng là học trò của ông ở các tuyến U của SHB Đà Nẵng.

Nếu QNK Quảng Nam có một khởi đầu không thể tốt hơn, Trẻ SHB Đà Nẵng đang có những bước đi chuệch choạc sau 5 lượt đấu mở màn đầy hứng khởi. Thua tiếp 2 trận và mất không ít trụ cột vì chấn thương lẫn thẻ phạt, đội quân của HLV Phan Công Thìn đang chìm sâu ở vị trí 12, để chỉ hơn 2 đội xếp chót là TDC Bình Dương và Tây Ninh lần lượt 2 và 4 điểm.

Trong cuộc đối đầu Trẻ SHB Đà Nẵng (áo sáng) - QNK Quảng Nam (áo sẫm, ảnh trái),
 Trẻ SHB Đà Nẵng (áo cam)  và QNK Quảng Nam

Một thất bại lúc này dù chưa đến độ là “thảm họa” nhưng cũng tạo nên một trở lực quá lớn cho Trẻ SHB Đà Nẵng trong mục tiêu trụ hạng.

Cái tình, lắm lúc khiến người ta dễ “mủi lòng” trước người quen đang khốn khó, dù đó là “đối thủ”. Ở đây, bên phần sân đối diện, đó còn là đàn em, là học trò của Trần Vũ. Và dù là HLV trưởng QNK Quảng Nam, ông vẫn là người của bóng đá Đà Nẵng.

Cái khó của Trần Vũ là vậy!

Nhưng chắc hẳn, dù đan xen nhiều cảm xúc, Trần Vũ vẫn chấp nhận một “cuộc chơi sòng phẳng” bởi từ lâu, ông đã là con người của bóng-đá-chuyên-nghiệp. Đó cũng là điều mà những người hâm mộ chân chính muốn nhiều nhất từ Trần Vũ trong lần trở về này.

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.