.
Sân Chi Lăng, 16h10 ngày 8-4

SHB Đà Nẵng - Vicem Hải Phòng: Ngày về nặng trĩu ưu tư...

.

Chưa bao giờ kể từ ngày chia tay bóng đá sông Hàn, HLV Lê Thụy Hải phải trở lại sân Chi Lăng với những trĩu nặng ưu tư như lúc này. Bởi trong những lần quay lại mảnh đất từng gắn bó với mình, ông Hải luôn là “thuyền trưởng” của những đối thủ cạnh tranh cùng SHB Đà Nẵng. Nhưng lần này thì khác…

Sẽ là một cuộc đấu trí nhưng không thiếu cảm xúc khi Lê Huỳnh Đức (áo số 10) gặp lại nhà cầm quân Lê Thụy Hải (ngồi) trong trận đấu mà cả hai không được phép thua.
Sẽ là một cuộc đấu trí nhưng không thiếu cảm xúc khi Lê Huỳnh Đức (áo số 10) gặp lại nhà cầm quân Lê Thụy Hải (ngồi) trong trận đấu mà cả hai không được phép thua.

Khi đội bóng của Lê Huỳnh Đức đang bay bổng ở nhóm đầu thì Vicem Hải Phòng của ông Hải vẫn ngập chìm trong vùng nguy hiểm. Không những thế, tình trạng khủng hoảng nhân sự của đội bóng đất Cảng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đâu phải bỗng dưng để sau vòng đấu thứ 12, ông Hải nói rất thật: “Lấy Anh Tuấn về khiến tôi bớt đi một nỗi lo ở vị trí trung vệ. Nhưng lúc này, Vicem Hải Phòng rất cần một tiền vệ tổ chức có khả năng kiến tạo cơ hội và điều tiết lối chơi. Ansah sa sút quá nhiều so với hồi đá ở Sông Lam Nghệ An, còn Thiago thì lười tranh chấp và cá nhân quá…”.

Bây giờ, hẳn ông Hải vẫn còn những khát khao thầm kín khi nhìn về bóng đá sông Hàn. Cách làm căn cơ trong quá khứ giúp SHB Đà Nẵng chưa bao giờ cạn kiệt tài năng khi Thanh Phúc, Quang Cường chưa qua thời đỉnh cao, đã nổi lên những Thanh Hưng, Nguyên Sa, Hùng Sơn, Duy Lam… đủ sức thay thế lớp đàn anh.

Chẳng nói đâu xa, thời còn cầm quân, chính ông Hải đã phát hiện và biết đặt niềm tin vào Phước Vĩnh, Quốc Anh, Hải Lâm…, tạo cơ hội cho lứa cầu thủ trẻ ngày ấy trở thành những trụ cột cho SHB Đà Nẵng lúc này. Ngay cả Lê Huỳnh Đức khi còn khoác áo VĐV hẳn cũng từng học hỏi được rất nhiều ở vị HLV vốn được các VĐV yêu mến gọi bằng “bố Hải”.

Còn nhớ, trong ngày ông Hải chia tay bóng đá Đà Nẵng sau “sự cố” SEA Games 23, cả ông và các học trò đã không kiềm chế được cảm xúc. Và tại BTV Cup 2007, khi thấy những cầu thủ Đà Nẵng rét run sau trận đấu, dù với vai trò “thuyền trưởng” Bình Dương, “bố Hải” vẫn ân cần: “Các con vào tắm ngay, mặc ấm kẻo mà cảm lạnh bây giờ!”.

Những hình ảnh đó chắc chắn như một kỷ niệm thấm đẫm vào từng cầu thủ Đà Nẵng cũng như Lê Huỳnh Đức, đang là người dẫn dắt SHB Đà Nẵng trong mục tiêu vượt qua chính Vicem Hải Phòng đang khốn khó của nhà cầm quân Lê Thụy Hải.

Nghiệt ngã thay khi giữa bối cảnh đoàn quân của ông Lê Thụy Hải đang “khát” một chiến thắng trong nỗ lực vượt qua vòng xoáy rớt hạng, Lê Huỳnh Đức cùng những Phước Vĩnh, Thanh Hưng, Hải Lâm cũng không thể có một chọn lựa nào khác, ngoài chiến thắng.

Tưởng hy vọng đã xa dần nhưng với nỗ lực tự thân bằng chiến thắng Ninh Bình cùng với việc Sài Gòn FC bị Hà Nội T&T đánh bại và Bình Dương gục ngã trước Hoàng Anh Gia Lai, thầy trò Lê Huỳnh Đức đã được trao cơ hội và vươn lên vị trí nhì bảng xếp hạng. Vì thế, hơn lúc nào hết, SHB Đà Nẵng rất cần thêm một chiến thắng để tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao hơn.

Vicem Hải Phòng cùng HLV Lê Thụy Hải cũng ước muốn tích cóp thêm những điểm số nhằm mở thêm cơ hội trụ hạng. Nhưng trong cuộc đấu này, niềm vui rất khó được chia đôi.

Và chiều 8-4, khi bước vào thảm cỏ xanh của sân Chi Lăng, những tình cảm riêng tư của cả Lê Huỳnh Đức cùng không ít cầu thủ SHB Đà Nẵng lẫn “bố Hải” sẽ được gác sang một bên. Những ủy mị trong tình cảm sẽ phải nhường chỗ cho lý trí mà ở đó, niềm vui của người này, chắc chắn là nỗi buồn của người kia. Quá khó để HLV Lê Thụy Hải trút đi được những ưu tư trong ngày về với nơi ông từng gắn bó và cũng không thiếu những kỷ niệm đẹp.  

Nhưng biết làm sao được khi bóng đá chuyên nghiệp là thế!

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.