Trong xu thế bóng đá chuyên nghiệp, “chất” Đà Nẵng luôn đậm đặc trong lòng SHB.ĐN, giúp họ 2 lần vươn tới đỉnh cao V-League cũng như các đội trẻ gặt hái được nhiều thành công. Để đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua, chính là nhờ cách làm bài bản, vững chắc của SHB.ĐN.
U17 SHB.ĐN ngày đăng quang giải QG. |
Ở biệt thự, đi học bằng ô-tô
Trước thời điểm (cuối năm năm 2007) ngân hàng SHB đầu tư tài chính vào đội bóng sông Hàn thì từ đầu những năm 2000, bóng đá Đà Nẵng đã được UBND TP.Đà Nẵng quan tâm, lên kế hoạch xây dựng trung tâm bóng đá tại Tuyên Sơn (Đà Nẵng). Có được nguồn đầu tư lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, bóng đá Đà Nẵng có nền tảng để phát triển. Đặc biệt, trong khuôn viên 5 ha của khu thể thao Tuyên Sơn, bên cạnh 2 khu nhà 3 tầng khang trang thì họ còn được sở hữu…12 biệt thự với số phòng ở đạt mốc 40.
Đây chính là nơi ăn ở, sinh hoạt, cho các cầu thủ đang được đào tạo tại đây. Ông Trần Minh Toàn (Phó TGĐ công ty cổ phần bóng đá SHB.ĐN) cho biết: “Bóng đá Đà Nẵng rất may mắn khi được thành phố quan tâm hết mức. Có nơi ở thì mới có thể bắt tay vào đào tạo bóng đá, chính nền móng từ cơ sở vật chất hiện đại là động lực để chúng tôi đào tạo cầu thủ tốt hơn”.
Các cầu thủ trẻ SHB.ĐN (trái) thường xuyên được thi đấu cọ xát. |
Ở Việt Nam, ngoài học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG, có lẽ SHB.ĐN đang là nơi hiếm hoi cầu thủ trẻ được ở biệt thự với đầy đủ trang thiết bị hiện đại đến như thế. Không chỉ được “ở tốt” mà việc học văn hóa của các cầu thủ trẻ SHB.ĐN được chăm chút kỹ càng.
“Khi các cầu thủ mới được tuyển vào lò SHB.ĐN, phụ huynh của các cầu thủ này có nói rằng, con em của họ nên được học ở những trường chính quy chuẩn, chứ không phải là các trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhận thấy đó là ý kiến hay bởi nếu các em được học hành bài bản thì sau này không đi đá bóng nữa, họ hoàn toàn có thể đủ kiến thức để thi vào các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, chúng tôi đã gửi toàn bộ các cầu thủ trẻ, tùy theo lứa tuổi vào trường phổ thông chuẩn. Và hằng ngày, các em đi học, được đưa đón bằng xe ô-tô”, ông Trần Minh Toàn nói về việc học văn hóa của các cầu thủ đang được đào tạo ở SHB.ĐN.
Hút nhân gtài, đãi ngộ lớn
Trong những năm qua, rất nhiều cầu thủ không sinh ra ở Đà Nẵng nhưng lại thành danh trong màu áo đội bóng áo màu cam. Đấy là nhờ cách làm theo cơ chế “mở” của lò SHB.ĐN. Hằng năm, bên cạnh việc đi vào trường học, phường, quận, huyện trong thành phố để tuyển cầu thủ mà những người làm bóng đá còn tới các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi để lấy cầu thủ. Thực tế, những Huỳnh Quốc Anh, Hà Minh Tuấn (quê Quảng Nam), Trần Văn Học (Quảng Trị)… chính là những sản phẩm mà lò SHB.ĐN thu được trong mỗi lần đi về các địa phương ngoài thành phố để tuyển người.
Không những đẩy mạnh việc thu hút nhân tài mà những cầu thủ khi được tuyển vào lò SHB.ĐN đều nhận được chế độ tốt. Chẳng hạn, như những cầu thủ U11, U13 được nhận 700.000 đồng/tháng, các cầu thủ U17-U19 được nhận 1 triệu đồng/tháng, còn các gương mặt U21 được nhận thù lao 2,5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể, mỗi lần thi đấu thành công tại các giải trẻ, các đội U còn được UBND, Sở VH-TD-TT thành phố cùng Tổng công ty CPBĐ SHB.ĐN thưởng hậu hĩnh. Bóng đá được địa phương, nhà tài trợ quan tâm và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển, lò SHB.ĐN vững mạnh trong sự nghiệp “trồng người”.
Con số
2. Số lần vô địch của U17 SHB.ĐN
3. Số lần vô địch của U21 SHB.ĐN
6. Số lò đào tạo trẻ SHB.ĐN có 6 đội trẻ gồm: U11, U13, U15, U17, U19, U21
15. Là tổng số HLV đang làm việc tại lò SHB.ĐN
185. Đó là số lượng cầu thủ đang được đào tạo tại lò SHB.ĐN
Bên cạnh việc hằng năm đóng góp nhiều cầu thủ cho các ĐTQG thì lò SHB.ĐN còn được biết đến về sự “mát tay” chăm bẵm những cầu thủ tài năng. Năm 2010, 3 cầu thủ xuất thân từ lò SHB.ĐN là Nguyễn Thái Sung, Ma Văn Tuấn, Đặng Anh Tuấn đã vượt qua hơn 4.000 thí sinh đến từ 30 tỉnh, thành phố trong cả nước để bước vào vòng chung kết “Giấc mơ sân cỏ”. Cuối cùng Nguyễn Thái Sung là người thắng cuộc và nhận được suất học bổng có thời hạn 3 năm tại học viện bóng đá Aspire (Qatar).
SHB.ĐN là trung tâm đào tạo bóng đá đầu tiên tại Việt Nam có Hội đồng HLV. Sở dĩ, SHB.ĐN lại có “ban mới” là bởi họ sở hữu 15 HLV và để thống nhất kế hoạch lập luyện, hay đảm bảo việc lên giáo án khoa học, họ đã thành lập Hội đồng HLV (nơi thẩm định, nghiên cứu, trước khi phê duyệt giáo áo) do HLV Lê Huỳnh Đức làm Chủ tịch. Đây chính là cơ sở để giúp họ đi đúng hướng trong việc đào tạo cầu thủ.
Bongdaplus