.
Bóng đá Việt Nam

Vẫn chuyện “xây nhà từ nóc”

.

(ĐNĐT)- Những ngày qua, quá nhiều thông tin trái chiều về việc HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam. Song cũng từ những nguồn tin khác, vị HLV người Khánh Hòa khẳng định, ông vẫn sẽ gắn bó cùng Xi măng Vicem Hải Phòng, theo quyết định chuyển giao Khatoco cho Hải Phòng.

Khi HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn chưa đặt bút ký vào bản hợp đồng, VFF đã lập danh sách các cầu thủ của đội tuyển quốc gia (ĐTQG), kèm theo những yêu cầu phải dùng ai và dùng như thế nào (!). Chắc chắn, với cách làm theo kiểu “sinh con rồi mới sinh cha…” như thế của VFF, dẫu rất muốn nhưng khó lòng để một nhà cầm quân đầy cá tính như ông Tuấn chấp nhận nắm giữ một đội tuyển được “sinh ra” từ các quan chức.

Điều quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam vẫn là xây dựng chiến lược phát triển căn cơ, bền vững
Điều quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam vẫn là xây dựng chiến lược phát triển căn cơ, bền vững

Vấn đề cần giải quyết của bóng đá Việt Nam hiện nay là sự chuyển đổi của tư duy, của một hệ thống chứ không chỉ ở mỗi vị trí của một nhà cầm quân.

Chưa xác định được cách chơi, lối chơi hay bản sắc của bóng đá Việt Nam, thì việc bất kỳ một HLV nào dẫn dắt đội tuyển Việt Nam cũng không có nhiều ý nghĩa.

Đừng quên rằng, bóng đá Việt Nam từng được dẫn dắt bởi những HLV Đức, Brazil, Áo, Anh, rồi gần đây nhất là ông thầy người Bồ Henrique Calisto. Như thế, bản chất của bóng đá Việt Nam những năm qua chỉ mang tính “tạm bợ” khi cầu thủ phải liên tục thay đổi lối chơi, từ kỷ luật, chiến thuật của Đức cho đến Anglo-Saxon của Anh hay lối chơi la-tinh của Bồ Đào Nha!

Bài học của bóng đá Nhật không quá mới và cũng chẳng quá khó để chúng ta học và làm theo, dù cách đây hơn nửa thế kỷ, người Nhật từng xem bóng đá Việt Nam là tấm gương để học hỏi.

Dựa vào thể lực, thể hình, người Nhật đã tuyển mộ hầu như chỉ các cầu thủ Brazil về đầu quân cho các CLB cùng với việc nhập tịch cầu thủ Brazil, làm nòng cốt cho đội tuyển Nhật Bản ở thời kỳ đầu. Đồng thời, bóng đá Nhật cũng mời những HLV Brazil về huấn luyện, từ cấp CLB cho đến đội tuyển quốc gia. Mục tiêu lớn nhất của người Nhật là tận dụng tối đa sự khéo léo, uyển chuyển của con người vào lối chơi của bóng đá Nhật Bản.

Từ cách xây dựng nhất quán, chỉ trong một thời gian không lâu, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc bóng đá châu Á, vượt xa Trung Quốc, Iran, Kuwait… và có thể sánh ngang với Australia, Hàn Quốc…

Trong khi đó, bóng đá Việt Nam, vốn tự hào về vị trí thứ 15 châu Á và số 1 Đông Nam Á, vẫn cứ loay hoay xây dựng chiến lược. Nhưng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, kiêm Phó chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn, việc “phát triển chiến lược” của ĐTQG trong suốt những năm qua gần như chẳng có một… kế hoạch xuyên suốt nào.

Cho nên, không ngạc nhiên khi VFF đã qua 6 kỳ Đại hội nhưng bóng đá Việt Nam vẫn chưa có được một vị Giám đốc Kỹ thuật nhằm xác định chiến lược phát triển cho bóng đá Việt Nam nói chung, đội tuyển Việt Nam nói riêng. Để trên căn cứ đó, bất kỳ HLV nào của đội tuyển đều phải đi theo chiến lược đã vạch ra.

Vì thế, với cách làm hiện tại của bóng đá Việt Nam, việc HLV Hoàng Anh Tuấn có nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam hay không, cũng chỉ là thứ yếu. Một khi, những yếu kém vốn có vẫn chưa được khắc phục…

Bài và ảnh: Nguyên An

;
.
.
.
.
.