Thể thao

Pháp siết chặt an ninh trước thềm Euro 2016

08:13, 08/06/2016 (GMT+7)

Tấn công bằng súng, bom điều khiển từ xa, thậm chí tấn công bằng máy bay không người lái mang theo chất nổ hoặc vũ khí sinh học… được xem là những mối đe dọa hàng đầu với nước chủ nhà Pháp, khi vòng chung kết Euro 2016 khai diễn vào cuối tuần này. Mối lo càng lớn bởi ngày 21-5, Gregoire Moutaux  - công nhân 25 tuổi của một trang trại vùng Lorraine (miền đông nước Pháp) bị cơ quan Dịch vụ an ninh Ukraine (SBU) bắt giữ tại khu vực biên giới Ukraine và Ba Lan. Tuy nhiên, theo cảnh sát và cơ quan tư pháp của Pháp, Moutaux chưa từng có tiền án, tiền sự. Những thông tin ban đầu từ Paris nghi ngờ Moutaux chỉ là một mắc xích trong đường dây buôn lậu vũ khí, hơn là một kẻ khủng bố.

Lực lượng SBU phục kích và bắt giữ Gregoire Moutaux (áo đỏ) tại biên giới Ukraine – Bỉ.                           (ảnh cắt từ clip của BBC Sport)
Lực lượng SBU phục kích và bắt giữ Gregoire Moutaux (áo đỏ) tại biên giới Ukraine – Bỉ. (ảnh cắt từ clip của BBC Sport)

Không dễ dàng bảo đảm an toàn tuyệt đối 100% cho một sự kiện thu hút hàng triệu người hâm mộ đến từ nhiều quốc gia và trải rộng trên 10 thành phố; nhất là sau khi IS khẳng định sẽ tấn công vào giải đấu này. Trong khả năng của mình, Pháp huy động gần 100.000 nhân viên an ninh bảo vệ các trận đấu, các khu vực dành cho người hâm mộ (Fan zone) và những khu vực đông người. Trong đó, Fan zone ở chân tháp Eiffel, dự kiến thu hút đến 90.000 người, được quan tâm nhất.

Địa điểm đóng quân của 24 đội tuyển quốc gia được canh gác nghiêm ngặt và một số vùng cấm bay - như các khu vực gần sân vận động, cũng chính thức được xác nhận. Với những trường hợp vi phạm vùng cấm bay, nhà chức trách sẽ kiểm soát và điều hướng những máy bay không người lái bị nghi ngờ, thay vì bắn hạ. Bên cạnh đó, máy dò kim loại, camera giám sát, chó nghiệp vụ và sự hiện diện thường xuyên của lực lượng cảnh sát đông đảo… sẽ là những biện pháp chủ yếu ngăn chặn khủng bố. Người hâm mộ còn được khuyến cáo không nên mang theo những chiếc túi lớn.

Hồi tháng 5, trong trận chung kết Cúp Quốc gia giữa Paris St Germain và Olympique de Marseille, những thử nghiệm về việc bảo đảm an ninh đã không như mong muốn. Mặc dù các biện pháp bảo vệ được tăng cường nhưng một số người hâm mộ vẫn lén mang pháo và bom khói vào sân. Trước đó, sân Stade de France từng bị tấn công càng cho thấy những kẻ khủng bố luôn xem các địa điểm thể thao là mục tiêu tốt nhất.

Euro 2016 hay Cuộc đua xe đạp Tour de France 2016 không là ngoại lệ. Patrick Calvar, người đứng đầu lực lượng an ninh nội bộ Pháp cho hay: “Chúng tôi có nguy cơ đối mặt với một hình thức khủng bố mới khi các tổ chức khủng bố sẽ cho đặt thiết bị nổ ở những nơi có đông người. Điều đó dễ dàng tạo nên sự hoảng loạn lan rộng”. Không những thế, việc không ít quốc gia có đội tuyển tranh tài tại Euro 2016 nằm trong liên minh chống IS khiến nguy cơ khủng bố càng cao.

Trong một diễn biến khác, Mohamed Abrini, người bị bắt sau cuộc tấn công tại Brussels và tình nghi tham gia vào cuộc tấn công Paris hồi tháng 11-2015 thừa nhận, Euro 2016 là mục tiêu của các cuộc tấn công. Theo giới chức tình báo Pháp, hiện có hơn 2.000 công dân hoặc cư dân Pháp có liên hệ với mạng lưới khủng bố ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của CNN vào ngày 6-6, Tổng thống Hollande vẫn quả quyết, chính phủ của ông quyết tâm để Euro 2016 thực sự là “một lễ hội của châu Âu, một lễ hội của người dân”.

BẢO AN

.