Bóng đá Anh đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng

.

Phát biểu trên BBC Sport (ngày 8-4), Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) Greg Clarke cho biết: “Bóng đá Anh phải đối mặt nguy cơ bị mất các CLB lẫn giải đấu trước những thách thức kinh tế ngoài sức tưởng tượng”.

Việc A.Joshua (phải) kiếm được 66 triệu bảng sau trận đấu cùng Andy Ruiz (trái) nhưng không bị áp lực giảm lương khiến các cầu thủ Premier League cảm thấy bất công khi họ buộc phải giảm lương từ sức ép của các chính trị gia và rất nhiều bộ phận trong xã hội.                            Ảnh: Hassan Ammar
Việc A.Joshua (phải) kiếm được 66 triệu bảng sau trận đấu cùng Andy Ruiz (trái) nhưng không bị áp lực giảm lương khiến các cầu thủ Premier League cảm thấy bất công khi họ buộc phải giảm lương từ sức ép của các chính trị gia và rất nhiều bộ phận trong xã hội. Ảnh: Hassan Ammar

Theo Dailymail (ngày 8-4), dù ông Clarke kêu gọi các cầu thủ giảm lương để “chia sẻ nỗi đau” do Covid-19 nhưng các cầu thủ đang ngày càng thất vọng. Tất cả đều thắc mắc về việc các chính trị gia cũng như rất nhiều bộ phận trong xã hội dường như gây áp lực rất lớn, buộc họ phải giảm lương trong khi những ngôi sao thể thao khác lại không chịu sức ép tương tự. Không hẳn những thắc mắc ấy vô lý khi võ sĩ quyền Anh Anthony Joshua đã kiếm được khoản tiền đến 66 triệu bảng từ trận tái đấu với Andy Ruiz hồi đầu năm, nhà vô địch thế giới Đua xe công thức 1 Lewis Hamilton kiếm được 40 triệu bảng một năm khi ký hợp đồng cùng hãng Mercedes.

Trước nguy cơ bóng đá Anh có thể sụp đổ do cuộc khủng hoảng tài chính, trong cuộc họp Hội đồng FA vào ngày 7-4, Chủ tịch FA Greg Clarke đưa ra lời kêu gọi: “Trước nghịch cảnh chưa từng có này, chúng tôi hy vọng tất cả những người liên quan đến giải đấu, từ cầu thủ cho đến người hâm mộ lẫn CLB, chủ sở hữu và những nhà quản lý cần tiến lên và chia sẻ nỗi đau chung để giữ cho giải đấu được tồn tại”. Giám đốc điều hành của FA Mark Bullingham, cho biết, việc hoãn các trận đấu tại giải Ngoại hạng Premier League, FA Cup cũng như 4 trận đấu vòng chung kết EURO 2020 sẽ khiến FA mất tới 150 triệu bảng và các CLB mất hơn 1 tỷ bảng. Vì thế, bóng đá Anh đang tính đến việc xây dựng kế hoạch để duy trì nếu mùa giải này phải kết thúc giữa chừng và mùa giải tiếp theo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, rất khó tìm được tiếng nói chung giữa các cầu thủ với FA khi những cầu thủ sắp hết hạn hợp đồng không dễ dàng chấp nhận cắt giảm lương một khi tương lai không chắc chắn. Đồng thời, trong phần trả lời phỏng vấn của The Sun (ngày 8-4), Tiến sĩ Erkut Sogut - đại diện của ngôi sao Ozil - khuyên các cầu thủ chỉ có thể chấp nhận chậm nhận lương trong 9 tháng nhưng không cắt giảm lương, bởi tương lai của giải đấu vẫn là dấu hỏi. Mặt khác, các CLB vẫn còn nguồn tài chính dự trữ đáng kể. Chính những mâu thuẫn chưa có lời giải đang đẩy bóng đá Anh vào bế tắc và nguy cơ khủng hoảng đang hiện hữu với tương lai bóng đá của đảo quốc này.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.