Sau những thành công của các đội tuyển Việt Nam, cả trên đấu trường khu vực lẫn châu lục, dư luận quốc tế đã có sự nhìn nhận rất khác với bóng đá Việt Nam.
Trong bài viết đăng trên trang The World Game, bình luận viên John Duerden (Đài truyền hình SBS, Úc) khẳng định, thành công này bắt nguồn từ công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Từ đó, tại Đại hội thường niên Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) 2019, VFF không ngần ngại đặt mục tiêu giành quyền vào vòng chung kết World Cup 2026 đối với đội tuyển quốc gia.
SHB Đà Nẵng (áo cam) là một trong những CLB quan tâm đến công tác đào tạo trẻ cũng như tạo điều kiện để các cầu thủ U19 được thi đấu ở giải hạng Nhì quốc gia. Ảnh: ANH VŨ |
Với việc Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) có sự điều chỉnh khi nâng số đội tuyển quốc gia được tham gia vòng chung kết World Cup 2026 từ 32 lên 48 với 8,5 suất phân bổ cho châu Á, cơ hội mở ra lớn hơn cho đội tuyển Việt Nam. Và chắc chắn, các cầu thủ của U17, U19 và U21 quốc gia hiện nay sẽ là thành phần nòng cốt cho đội tuyển quốc gia vào thời điểm ấy. Thế nhưng, khi các cầu thủ trẻ quá ít cơ hội được cọ xát thực tế sân cỏ thông qua các giải đấu, các trận đấu... sẽ ảnh hưởng rất lớn mục tiêu giành quyền vào vòng chung kết World Cup 2026.
Cùng với việc quá ít những giải đấu, các cầu thủ ở độ tuổi 17-21 rất hiếm khi được trao cơ hội trong đội hình 1 ở các giải hạng Nhất hay V-League. Cho nên, dù được luyện tập thường xuyên nhưng không được thi đấu, các cầu thủ trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tâm lý cũng như thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống khi bước vào thực tế thi đấu, vốn khắc nghiệt gấp bội lần so với những buổi tập.
Trong chương trình Tiêu điểm của Tạp chí Bóng đá điện tử, HLV Philippe Troussier - người đang dẫn dắt đội tuyển U19 Việt Nam - không giấu sự lo ngại: "Sẽ có khoảng 80% số cầu thủ trong thành phần U19 và U22 Việt Nam hiện nay là nòng cốt cho đội tuyển Việt Nam dự tranh vòng loại World Cup 2026. Lúc đó, những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường... đều đã 30 tuổi hoặc hơn, có thể, những cầu thủ này còn thi đấu vào thời điểm đó nhưng chúng ta vẫn cần những luồng gió mới. Điều quan trọng là, Việt Nam phải có những giải cận chuyên nghiệp để những cầu thủ lứa tuổi 17-21 có cơ hội thi đấu khoảng 40 trận/năm nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tế".
Hiện tại, các cầu thủ thành viên đội U19 hay U21 Việt Nam thuộc các CLB mạnh của V-League chỉ được thi đấu khoảng 15-26 trận mỗi năm, thông qua vòng loại rồi vòng chung kết các giải trẻ, cùng với chừng 10 trận thi đấu quốc tế nếu được VFF triệu tập. Trong khi đó, những cầu thủ trẻ của các đội hạng Nhất cũng chỉ có thể thi đấu tối đa 15 trận/năm. Không phủ nhận những nỗ lực của VFF nhằm cải thiện các giải trẻ nhưng vẫn chưa thể đáp ứng so với yêu cầu.
Vì thế, với quỹ thời gian hiện nay cho đến khi vòng loại World Cup 2026 khai diễn, vẫn còn kịp để VFF xây dựng kế hoạch tổ chức những giải đấu cho các đội dự bị hạng Nhất, V-League, tạo điều kiện cho những cầu thủ lứa tuổi 17-21 và là tương lai của đội tuyển quốc gia có nhiều cơ hội rèn giũa, trưởng thành.
NGUYÊN AN