Ngày 12-12 tại Hà Nội, Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VPF sẽ tiến hành Lễ bốc thăm, xếp lịch thi đấu mùa giải 2021, nhưng lúc này nhiều CLB vẫn chưa biết chắc mình có thể thi đấu hay không. Từ V-League đến giải hạng Nhất, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam qua 2 thập kỷ vẫn rối bời.
Than Quảng Ninh khiến V-League đau đầu
Cho đến hiện tại, Than Quảng Ninh là CLB khiến phần còn lại phải giật mình khi đội bóng này vẫn chìm ngập trong khủng hoảng. Chủ tịch CLB Phạm Thanh Hùng vừa xác nhận không thể ôm đồm nổi tài chính để CLB có thể hoạt động trơn tru.
Sau khi mùa giải V-League 2020 khép lại, đội bóng vùng Mỏ đã gặp khó khăn tài chính khiến nhiều cầu thủ đã nói lời chia tay để tìm bến đỗ mới. HLV Phan Thanh Hùng cũng đã nộp đơn từ chức theo luật lao động, đội bóng càng khốn đốn.
Có một đội ngũ CĐV hùng hậu và cuồng nhiệt, nhưng Than Quảng Ninh lại là đội bóng sống dựa gần như hoàn toàn vào tiền tài trợ. Ảnh: TT&VH |
Cho đến lúc này, người ta mới biết Than Quảng Ninh cầm cự theo kiểu được đâu hay đó nhưng vẫn có thể lướt qua mùa giải 2020 một cách an toàn. Họ không thu được tiền từ nhà tài trợ của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, đội bóng không trả lót tay cho cầu thủ vắt qua 2 mùa giải, tiền lương thưởng nhỏ giọt… Đó là lý do Than Quảng Ninh đuối hơi để mặc tới 12 cầu thủ tìm đường ra đi cứu vãn sự nghiệp của chính họ.
Lãnh đạo CLB Than Quảng Ninh dự kiến đến ngày 15-12 mới có quyết định chính thức về tương lai của đội bóng. Tuy nhiên với 9 con người duy trì tập luyện để cầm cự, không nổi một đội bóng chuyên nghiệp, thậm chí, cách đây vài hôm, chị Vũ Thanh Thúy - Phó Chủ tịch Hội CĐV Than Quảng Ninh còn phải kêu gọi các CĐV của đội bóng đất Mỏ tập hợp thành một đội bóng làm “quân xanh” cho các cầu thủ còn sót lại ở CLB đá tập.
Than Quảng Ninh thực sự khiến nhiều người trong cuộc phải dở khóc dở cười. Nếu thực sự vẫn được cứu thời gian tới, cũng không rõ đội bóng này sẽ vận hành chiến thuật, mục tiêu... gì ở mùa bóng mới.
Khi giải chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ khởi tranh, câu chuyện làm bóng đá chuyên nghiệp của Than Quảng Ninh thực sự khiến không ít người phải bàng hoàng. CLB đứng thứ 4 V-League 2020, thành tích trái ngược với tài chính khốn đốn đặt ra nhiều câu hỏi về sự chuyên nghiệp của CLB Việt Nam.
Khi Chủ tịch CLB Phạm Thanh Hùng tiết lộ mỗi năm CLB cần tới 70-80 tỷ đồng để CLB hoạt động, bản thân ông không thể gánh vác nổi nên không có gì bất ngờ nếu ông buông tay. Lúc này, bài toán đội bóng chuyên nghiệp lại phải “đá” về cho UBND tỉnh Quảng Ninh. Tồn tại hay không tồn tại, vấn đề lúc này phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh. Dù trái ngược với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp nhưng biết sao được, khi sau hơn 20 năm bước lên chuyên nghiệp, chuyện phải bao cấp vẫn ám ảnh bóng đá Việt Nam.
Giải hạng Nhất “đi trên dây”
Theo kế hoạch tổ chức của VFF, các giải bóng đá quốc gia giai đoạn 2021-2023 gồm V-League, hạng Nhất và hạng Nhì quốc gia đều có 14 đội tham dự. Kế hoạch này được đề ra là nhằm nhằm xóa bỏ nghịch lý phát triển theo kiểu hình tháp ngược từ nhiều năm qua của nền bóng đá.
V-League nằm ở đỉnh chóp, không thể có số đội nhiều hơn 2 hạng đấu thấp hơn - vốn là nền tảng để chăm sóc cho cái ngọn là bóng đá đỉnh cao. Ngay lập tức, chủ trương dù tốt đẹp này đã bị hoài nghi với diễn tiến của bóng đá nước nhà hiện tại. Trong tư duy theo kiểu “ăn xổi, ở thì” bây giờ, 14 CLB V-League và cả giải hạng Nhất hiện tại rất thực sự là gánh nặng lớn.
Từ Than Quảng Ninh ở V-League đang khổ sở tìm đường sống, giải hạng Nhất sau khi chứng kiến 3 CLB lên hạng từ giải hạng Nhì 2020 đã có Gia Định FC phải “bỏ của chạy lấy người”. Những lý do như Gia Định FC không tìm đâu kinh phí hoạt động để chơi giải hạng Nhất (dự kiến khoảng 20 tỷ, gấp hơn 10 lần so với khoảng 2 tỷ đồng để đá hạng Nhì) là lý do lớn hơn cả thay vì chuyện không có hệ thống đào tạo trẻ, không đảm bảo sân bãi, cơ sở vật chất để đá giải hạng Nhất.
Trong thời điểm Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, kinh phí để đầu tư cho bóng đá thực sự là bài toán khó. Ngay sau khi Gia Định FC ký đơn xin không tham dự giải hạng Nhất 2021, có thể CLB Công an nhân dân (đội đã thua Gia Định FC ở trận play-off lên hạng năm nay) được dồn lên thay thế nhằm duy trì mục tiêu 14 đội đá giải hạng Nhất 2021.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa hề rõ ràng khi những ngày qua vẫn xôn xao thông tin CLB XSKT Cần Thơ khó tham dự giải hạng Nhất năm tới. CLB này cũng gặp khó khăn tài chính và muốn tái thiết để hoạt động.
Những gì diễn ra ở hạng Nhất hiện tại, có thể 2 suất lên hạng thẳng thay vì 1 hay 1,5 suất như trước cũng không hề dễ khi V-League là một nấc thang khác hẳn. Chuyện của Than Quảng Ninh hay Gia Định FC, XSKT Cần Thơ khiến bóng đá Việt Nam qua 2 thập kỷ chuyên nghiệp vẫn run rẩy tìm cách tồn tại, thay vì nghĩ đến những đỉnh cao hơn như nâng tầm nền bóng đá.
V-League 2021 dù chứng kiến nhiều câu chuyện ảm đạm như trường hợp Than Quảng Ninh nhưng vẫn xứng đáng được chờ đợi khi giải đấu sẽ quay lại sớm và hứa hẹn có bất ngờ. Trong đó, HAGL với sự tái đầu tư mạnh mẽ của bầu Đức khi thuê chiến tướng Kiatisak và lấy hàng loạt cầu thủ về gia cố lực lượng có thể sẽ giúp CLB này mang sinh khí mới.
Cuộc đua vô địch vẫn ghi nhận nỗ lực đầu tư của TP. Hồ Chí Minh khi ngoài HLV Mano Polking, CLB này vẫn mạnh tay chi tiền để mua sắm hàng loạt cái tên nội lẫn ngoại chất lượng. TP. Hồ Chí Minh cùng SHB Đà Nẵng, Thanh Hóa, HAGL có thể sẽ là “ngựa ô” ở V-League 2021, tạo ra sự cạnh tranh với những thế lực như Viettel, Hà Nội FC để giúp cuộc đua vô địch thêm phần căng thẳng.
Theo baotintuc.vn