Trong 11 cặp đấu vòng loại Cúp Quốc gia 2021 (diễn ra vào các ngày 23, 24 và 25-4), có đến 9 trận đấu giữa hai đội Chuyên nghiệp và hạng Nhất. Chỉ có 3 CLB Chuyên nghiệp giành chiến thắng sau 90 phút, 2 CLB thắng lợi nhờ loạt sút 11 mét và 4 trận đấu còn lại, phần thắng thuộc về các đội hạng Nhất. Những kết quả ấy phản ánh khoảng cách rất mong manh giữa các CLB, dù ở những hạng đấu khác nhau.
Dù giành chiến thắng 1-0 để vào tứ kết Cúp Quốc gia 2021 nhưng thủ môn Thanh Bình (áo đen) và các cầu thủ SHB Đà Nẵng (áo cam) cũng gặp rất nhiều khó khăn trước đội hạng Nhất Bà Rịa - Vũng Tàu (áo sọc xanh - trắng). Ảnh: ANH VŨ |
Trên sân Hòa Xuân, nếu may mắn, đội hạng Nhất Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn toàn có thể nghĩ đến chiến thắng khi 2 lần đưa bóng dội cột dọc khung thành SHB Đà Nẵng.
Tương tự, dù thi đấu trên sân nhà, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vẫn bị đội hạng Nhất An Giang dẫn điểm và chỉ ngược dòng để giành chiến thắng chung cuộc 2-1 nhờ bàn thắng có phần may mắn của cầu thủ nhập tịch Nguyễn Trung Đại Dương.
Trong khi đó, chủ nhà Hải Phòng vượt qua đội hạng Nhất Bình Phước hay Bình Dương chỉ có thể đánh bại đội chủ sân Cần Thơ trên chấm đá luân lưu. Duy nhất, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vượt qua Công an Nhân dân bằng thắng lợi cách biệt 4-2.
Ở các trận đấu còn lại trên sân nhà, các đội hạng Nhất Phố Hiến, Đắk Lắk, Quảng Nam lần lượt đánh bại Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa, Sài Gòn FC và Long An còn làm tốt hơn bằng trận thắng 2-1 trên sân Bình Định. Vậy, có thể lý giải thế nào về những kết quả được xem là bất ngờ ấy?
Theo quy định của điều lệ Cúp Quốc gia, khi gặp các đội hạng Nhất, các CLB Chuyên nghiệp không được phép sử dụng cầu thủ nước ngoài mà chỉ được sử dụng cầu thủ nhập tịch. Và đó là điều khiến các CLB Chuyên nghiệp rất khó để tạo nên sự khác biệt trước những đối thủ hạng dưới, nhất là khi các đội hạng Nhất nhập cuộc với thái độ nghiêm túc và quyết tâm cao.
Trong trận tiếp Bà Rịa - Vũng Tàu, dù không tung ra sân đội hình mạnh nhất nhưng với Hoàng Minh Tâm, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Công Nhật… trong thành phần xuất phát, đội bóng của HLV Lê Huỳnh Đức vẫn được đánh giá cao hơn đối thủ.
Thế nhưng, khi các học trò của HLV Trần Minh Chiến tổ chức lối chơi hợp lý, đội chủ sân Hòa Xuân hoàn toàn bế tắc. Mãi đến khi Phan Văn Long, Đặng Anh Tuấn… lần lượt được vào sân, lối chơi của SHB Đà Nẵng mới khởi sắc hơn, dù chưa như mong muốn.
Tương tự, HAGL suýt trả giá đắt khi HLV Kiatisak chỉ đưa đội hình 2 khi tiếp An Giang. Và chỉ khi hàng loạt trụ cột như Tuấn Anh, Minh Vương, Văn Toàn, Văn Thanh, Nguyễn Trung Đại Dương vào sân, đội bóng phố núi mới có thể đảo ngược thế trận.
Chính sự chật vật để giành thắng lợi trước các đội hạng Nhất đã cho thấy rõ, dù được đánh giá có chiều sâu về lực lượng, nhưng chất lượng cầu thủ của SHB Đà Nẵng, HAGL, Bình Dương vẫn chưa đồng đều bởi khoảng cách giữa cầu thủ chính thức với cầu thủ dự bị không hề nhỏ.
Mặt khác, không thể phủ nhận sự lệ thuộc vào cầu thủ nước ngoài tại các CLB Chuyên nghiệp. Vì thế, khi chỉ được phép sử dụng cầu thủ nội trong các cuộc đối đầu cùng các đội hạng Nhất, các CLB Chuyên nghiệp cho thấy sự lúng túng, mà đây không phải mới lần đầu.
Ở các đội hạng Nhất, việc các cầu thủ nội được thi đấu với nhau thường xuyên cũng giúp họ có được những ưu thế nhất định trong việc kết nối và dễ dàng triển khai ý đồ chiến thuật của các HLV. Chính điều đó đã khiến khoảng cách giữa các CLB Chuyên nghiệp và các đội hạng Nhất hết sức mong manh nên không loại trừ, bất ngờ vẫn có thể tiếp tục xuất hiện ở vòng tứ kết.
NGUYÊN AN