Thể thao

Câu chuyện những con số trên lưng các cầu thủ bóng đá

06:38, 25/07/2023 (GMT+7)

Jesus Valejo đến Real chỉ với tư cách là cầu thủ dự bị cho hàng phòng ngự và tình cờ nhận được số "5". Nhưng "5" lại là con số mà cầu thủ ngôi sao khác mong muốn.

CR7-Số 7 huyền thoại của làng túc cầu.(Nguồn: Printerst)
CR7-Số 7 huyền thoại của làng túc cầu.(Nguồn: Printerst)

Tuần trước cầu thủ mới đến Real Madrid từ Frankfurt, Jesus Valejo, đã thấy rằng mong muốn có một số áo đấu như ý là điều khó thực hiện đến thế nào.

Jesus Valejo đến Real Madrid chỉ với tư cách là cầu thủ dự bị cho hàng phòng ngự và tình cờ nhận được số "5". Nhưng số "5" lại là con số mà sao trẻ trị giá 103 triệu euro Jude Bellingham mới về từ BVB Dortmund mong muốn.

Jude Bellingham muốn có số áo này để nhớ tới huyền thoại Zinedine Zidane, thần tượng của anh. Tất nhiên, Jesus Valejo phải nhường lại để rồi nhận số "24."

Nhưng chưa dừng ở đó, "24" lại là con số mong muốn của Arda Güler, người mới về từ Fenerbahce với giá 20 triệu euro. Kết quả là Jesus Valejo lại tiếp tục phải nhường lại số áo này để "tạm thời" nhận số "25."

Thực tế thì Real muốn giữ số "25" lại để dành cho Kylian Mbappe nếu siêu sao PSG này về Real.

Cuối cùng, Jesus Valejo cũng chẳng cần bận tâm đến số áo của mình ở Real nữa vì anh bị đưa sang Granada dưới dạng cho mượn.

Câu chuyện số áo trong bóng đá có những thú vị của nó. Mỗi khi nhắc đến Maradona, có lẽ ai cũng biết, huyền thoại này mang áo số "10." Tương tự như Gerd Müller là "13" và số "9" hay nhất mọi thời đại là cầu thủ người Brazil Ronaldo de Lima.

Ronaldo De Lima được xem là số 9 hay nhất mọi thời đại.(Nguồn: Reutes.)
Ronaldo De Lima được xem là số 9 hay nhất mọi thời đại.(Nguồn: Reutes.)

Còn "CR7" từ đã trở thành cả một thương hiệu vì khi cứ nhắc đến CR7 là người ra biết ngay đến số 7 của Cristiano Ronaldo

Vậy những câu chuyện thú vị liên quan đến số áo thi đấu này bắt đầu từ đâu và bao giờ?

Lần đầu tiên vào năm 1911, để phân biết sự khác nhau của 11 cầu thủ mỗi khi ra sân, các Câu lạc bộ ở Australia đã cho in số từ 1 đến 11 lên áo đấu. Ý tưởng này năm 1928 đã đến với Bóng đá Anh. Nhưng chỉ từ năm 1933 quy định số áo mới là bắt buộc.

Khác với thời đại của chúng ta hiện nay, khi bắt đầu ra sân các cầu thủ mang áo từ số 1 đến 11, phần còn lại từ 12 đến 22. Mãi đến khi kết thúc thế chiến 2, vào năm 1948, quy định này mới được áp dụng ở Đức.

Nhưng mãi đến năm 1951, FC Nürnberg mới chấp nhận quy định này. Giải vô địch thế giới đầu tiên các cầu thủ mang áo số ra sân là năm 1954, năm Đức vô địch Thế giới lần đầu tiên. Khi ấy, Fritz Walter vang danh với số "8" ở vị trí tiền vệ trung tâm. Số "8" không phải là số mà Fritz Walter muốn có, mà nó gần như một quy định bất thành văn trong làng bóng đá châu Âu và còn kéo dài nhiều thập kỷ sau này.

Số "1" dành cho thủ môn, "2" là hậu vệ phải, "3" hậu vệ trái, "4" và "5" là hai trung vệ, khi thay đổi chiến thuật, số "5" cũng có thể trao cho vị trí Libero. Sau này Franz Beckenbauer trở thành "Hoàng đế" với số "5", "6" trao cho tiền vệ phòng ngự, "8" dành cho tiền vệ trung tâm, "10" là của tiền vệ kiến thiết hàng công, "7" là tiền vệ phải, "11" là tiền vệ trái, và tất nhiên "9" thuộc về trung phong.

Theo thời gian, khi có thêm những cầu thủ dự bị được đưa vào sân, số áo mang một khái niệm khác, nó chỉ để phân biệt giữa các cầu thủ, tất nhiên nó cũng không làm thay đổi tất cả khi thủ môn thường mang áo số "1" cũng như 50 cầu thủ hàng công ghi nhiều bàn thắng nhất mang áo số "7", "9" và "11."

Cầu thủ chỉ tình cờ nhận áo số "10" đầu tiên và trở thành huyền thoại đi vào lịch sử bóng đá Thế giới là Pele ở giải vô địch Thế giới 1958. Sau này những cầu thủ nổi tiếng thường gắn tên tuổi của mình với số áo họ mang.

Theo truyền thống của làng thể thao Mỹ, những số áo mà những vận động viên vĩ đại của họ đã từng mang sẽ không còn được trao cho ai nữa được áp dụng ở nhiều câu lạc bộ bóng đá châu Âu.

Ví dụ như Ajax Amsterdam, số "14" của Johan Cruyff, AC Milan là số "3" của Paolo Maldini. Số "10" của SSC Napoli mà Maradona đã từng mang chỉ còn xuất hiện trong cửa hàng.

Số 3 của Paolo Maldini khi thi đấu cho AC. Milan (Nguồn: Sport Deget)
Số 3 của Paolo Maldini khi thi đấu cho AC. Milan (Nguồn: Sport Deget)

Nhưng không phải ở CLB nào cũng như vậy và nó cũng gây ra không ít rắc rối. Điển hình như FC-Köln (Đức) đã từng hứa với Lukas Podolski năm 2012, rằng số "10" sẽ không trao cho ai nữa, nhưng chỉ 2 năm sau lại đưa nó cho cầu thủ mới về Patrick Helmes.

Podolski bực mình nói với báo chí Đức rằng " Tôi thấy, nếu người ta đã hứa một điều gì đó thì nên thực hiện nó."

Ở vài câu lạc bộ khác số áo được giữ lại bởi nó mang đến những kỷ niệm buồn. VfL- Wolfsburg không đưa ra số "19" nữa để tưởng nhớ đến Junior Malanda, cầu thủ 20 tuổi thiệt mạng trong một tai nạn giao thông năm 2015.

Tương tự như vậy, Nantes để lại số "9" để nhớ đến Emiliano Sala (28 tuổi) đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay năm 2019 hay số "13" ở FC Florenz thuộc về Davide Astori, người qua đời năm 2018 sau một tai biến tim mạch.

Số áo cũng là một tranh cãi, là nguyên nhân gây bất ổn ở nhiều câu lạc bộ trong lịch sử bóng đá. Điển hình như Inter Milan năm 1997. Ivan Zamorano vô cùng bực tức khi phải nhường lại số "9" của mình cho Ronaldo, người sau này trở thành huyền thoại của Bóng đá Thế giới với số áo này.

Zanorano nhận được số áo mới "18", nhưng chưa hết bực tức, anh ra sân và gắn thêm một dấu + giữa số 1 và 8, (1+8). Đây là tiền lệ chưa từng có trong lịch sử bóng đá và đến ngày nay chưa có lập lại.

Ở đội tuyển Đức, rắc rối còn căng thẳng hơn thế khi năm 2005 Jens Lehmann là thủ môn bắt chính thay cho Oliver Kahn.

Lehmann theo thông lệ Đức rất muốn mang áo số "1" đang thuộc về Kahn, nhưng không được. Lehmann rất bực mình và nhận bừa số "9", số áo vốn thuộc về một tiền đạo.

Số áo nó còn quan trọng tới mức khi nhiều câu lạc bộ dùng nó để lôi kéo cầu thủ trong mùa chuyển nhượng hay ép buộc họ phải ra đi. Năm 2009, Real Madrid ép Rafael van der Vaart phải ra đi bằng cách không phân phối số áo đấu cho anh.

Năm 2022, Leverkusen cho Mitchell Weiser mang áo số "00" (Đây là điều Hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp Đức không cho phép) để nói với Weiser rằng, anh đã không còn trong sự tính toán của câu lạc bộ.

Hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp Đức không cho phép các câu lạc bộ cho cầu thủ của mình mang áo số "0" hay "00."Kể từ 2011 Hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp Đức chỉ cho phép câu lạc bộ trao từ số "1" đến số "40" cho cầu thủ, nhưng tất nhiên cũng có ngoại lệ nếu cầu thủ hay câu lạc bộ yêu cầu.

Số cao nhất mà một cầu thủ Bundesliga từng mang là "93" của Federico Macheda - VfB Stuttgart mùa 2012/13. Vị trí thứ 2 thuộc về Andreas Görlitz với số "77" - Karlsruhe 2007/08.

Thực ra Görlitz muốn có số "7" nhưng số này đã thuộc về một cầu thủ khác, anh quyết định lấy số "77". Vị trí thứ 3 thuộc về cựu hậu vệ trái Bayern người Pháp Bixente Lizarazu - "69." 69 là năm sinh của anh và anh cũng chỉ cao 1,69m.

Gần đây có một ngoại lệ khác ở Bundesliga là Kevin Kampl. Khi từ RB Leipzig về BVB anh được phép mang áo số "44", đơn giản bởi BVB có hơn 40 cầu thủ chuyên chuyên nghiệp đăng ký với DFL.

La Liga cho phép từ số "1" đến "25" trong khi đó Serie A Italy cho phép từ số "1" đến "99." Ronaldinho khi chơi cho AC Milan từ 2008 đến 2011 đã phải mang số "80."

Kể từ mùa Hè năm nay, Italy cấm số "88." Con số "88" được nhiều người theo chủ nghĩa Phát-xít ưa chuộng. Đứng thứ "8" trong ký tự Latein là chữ H. Số 88 vì thế giống từ HH (Heil Hitler) dùng để tôn vinh phát xít.

Trong lịch sử bóng đá châu Âu còn nhiều câu chuyện thú vị và hấp dẫn khác về số áo đấu. Ví dụ như năm 2009, hậu vệ KSC Karsruhe Dino Drpic từ chối mang số "69" vì nó tượng trưng cho một tư thế quan hệ tình dục.

Andreas Herzog trong trận thứ 100 của mình cho Đội tuyển Áo. (Nguồn: Shutterstock)
Andreas Herzog trong trận thứ 100 của mình cho Đội tuyển Áo. (Nguồn: Shutterstock)

Andreas Herzog trong trận thứ 100 của mình cho Đội tuyển Áo được phép mang áo số "100" ra sân. Siêu sao một thời người Hà lan Edgar Davids mang áo số "1" trong mầu áo FC Barnet (Anh).

Cầu thủ Đội tuyển Quốc gia Maroco Hicham Zerouali mang áo số "0" khi thi đấu cho câu lạc bộ Schottland FC Aberdeen, vì tên thường gọi của anh là "Zero."

Trở lại với bóng đá Đức, cầu thủ đã từng mang nhiều số áo khác nhau nhất chính là cựu thủ môn Bayern Tom Starke - (16, 20, 22, 27, 31, 33, 35, 40). Trong số những cầu thủ hiện còn thi đấu chuyên nghiệp, vị trí số 1 thuộc về Marius Wolf (BVB). Qua nhiều CLB khác nhau anh đã mang những chiếc áo với số 17, 21, 24, 27, 30, 31 và 39.

Theo Vietnam+

.