Bóng đá Việt Nam
Không có lửa làm sao có khói?!
Những năm 1990, trọng tài gần như trở thành nạn nhân để các đội bóng “đổ tội” sau những trận “có mùi”. Vì thế, các trọng tài thường xuyên bị “soi”, đặc biệt là trong những tình huống nhạy cảm. Trong các trận đấu tại V-League, trọng tài vẫn tiếp tục bị các đội ca thán.
Không ngẫu nhiên để các đội bóng phản ứng gay gắt như thế này với các ông “vua sân cỏ”. |
Gần đây nhất, sau khi SHB Đà Nẵng phản ứng với trọng tài Ngô Duy Lân, lại đến Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bày tỏ sự bức xúc với “ông vua sân cỏ” Hà Anh Chiến. Thế nhưng, ý kiến của cả HLV Lê Huỳnh Đức lẫn nhà cầm quân HAGL Guillaume Graechen chẳng những không được lắng nghe mà còn bị quy kết và bị đe, sẽ “xử lý nghiêm theo đúng quy định”.
Ông bà ta thường nói “Không có lửa, làm sao có khói”! Trong trường hợp này, chẳng sai.
Hẳn các đội bóng Việt Nam đều hiểu rằng, chẳng dại gì để “gây thù chuốc oán” với các “ông vua sân cỏ”. Chỉ cần một lỗi nhận định, đội thắng có thể thành đội thua hoặc ngược lại. Bởi sau “cơn bão tiêu cực” hồi năm 2004, dẫn đến hàng loạt trọng tài hoặc vướng vào vòng tù tội, hoặc bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá, chẳng trọng tài nào dám nghĩ đến việc “làm kèo”. Cho nên, chẳng mấy người nghĩ trọng tài thổi chỉ vì cái lợi của bản thân.
Phải thừa nhận những nỗ lực rất lớn của đại bộ phận những “ông vua sân cỏ” trong việc xóa đi những “vết mờ” từ quá khứ. Song, không phải trọng tài nào cũng tạo được chỗ đứng vững vàng cho mình như Võ Minh Trí, Võ Quang Vinh, Nguyễn Trọng Thư hay Phùng Đình Dũng… Vì thế, không ít trọng tài muốn khẳng định nên đã “bắt lầm còn hơn bỏ sót”. Thậm chí, những đội bóng “con cưng” cỡ HAGL còn bị siết chặt hơn, như đánh giá của cựu “Còi Vàng” Dương Mạnh Hùng.
Có lần, khi còn làm nhiệm vụ huấn luyện tại V-League, nhà cầm quân Lê Thụy Hải từng thốt lên: “Để chứng tỏ sự khách quan, các trọng tài không ngần ngại “đè” đội chủ nhà ra để thổi”. Hay như khi có ý kiến biện minh về sai sót của trọng tài bởi “trọng tài cũng chỉ là con người”, nhà cầm quân này còn gay gắt hơn: “Chẳng lẽ, chúng tôi không là người sao!?”.
Hẳn nhiên, quá khó để đòi hỏi các trọng tài phải chính xác 100% trong rất nhiều tình huống, khi trong bóng đá có những thời điểm, tốc độ trận đấu bị đẩy lên đến chóng mặt. Nhưng không vì thế mà có thể lý giải kiểu “do tình huống phản công, trọng tài ở vị trí rất xa nên không thể quan sát thuận lợi, người ta không cho đó là lỗi nên không thổi phạt cũng là chuyện bình thường” (?).
Thử hỏi, ở rất nhiều tình huống - nhất là việc “phạt nguội” cầu thủ hay để chứng minh trọng tài đúng - việc sử dụng băng hình được áp dụng, còn ở một vài tình huống cụ thể khác, sao điều này bị bỏ qua?
Quyết định của trọng tài - dù đúng hay sai - đều không thể thay đổi. Và chắc chắn kết quả trận đấu cũng không thể thay đổi. Song, khi điều hành một trận đấu, đòi hỏi mỗi trọng tài phải thực sự công tâm, tỉnh táo, thay vì bị chi phối bởi cảm tính theo kiểu “muốn khẳng định” hay muốn thể hiện sự “vô tư”. Bên cạnh đó, Ban trọng tài cũng đừng xem nhẹ trận đấu này hay coi trọng trận đấu kia, bởi tính chất quyết liệt, căng thẳng không chỉ diễn ra ở nhóm đầu bảng hay nhóm cuối bảng.
Nếu không, “lửa” sẽ cháy lớn hơn và “khói” lại tiếp tục mịt mù!
Bài và ảnh: NGUYÊN AN