Y tế - Sức khỏe
Những sản phẩm mà chính nhà sản xuất không dám dùng
Công nghiệp hóa đã khiến quá trình sản xuất lương thực thực phẩm ngày càng trở nên không an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, ngay cả những nhà sản xuất cũng phải thú nhận họ không dám sử dụng các sản phẩm do mình làm ra.
Đứng trước một biển thị trường thực phẩm quá ư phong phú, đa dạng, nhiều người tiêu dùng tự hỏi không biết sử dụng sản phẩm nào là an toàn, đảm bảo sức khỏe. Thậm chí họ còn tự đặt câu hỏi liệu những ông chủ của các hãng sữa có uống sữa của mình làm ra không, người nuôi cá, trồng cây thương mại có dám ăn những con cá, hoa quả của mình nuôi trồng hay không…. và họ thường mong ước biết được những người đó dùng sản phẩm gì.
Đó là những câu hỏi tưởng như đơn giản dễ trả lời, nhưng sự thật đằng sau nó lại khiến người tiêu dùng hoang mang, choáng váng….
Một cuộc điều tra về những thực phẩm mà những nhà sản xuất đang sử dụng trong gia đình đã được tiến hành, nó căn cứ vào các lựa chọn cá nhân. Dưới đây là những thực phẩm mà các chuyên gia nghiên cứu, các nhà chuyên môn, nhà sản xuất không bao giờ sử dụng mặc dù họ là người làm ra chúng, chúng cũng không bị cấm bán và được các cơ quan chức năng chấp thuận sử dụng.
Táo
Theo những chủ trang trại trồng táo, các kỹ thuật ghép táo thường đòi hỏi việc sử dụng lượng lớn thuốc trừ sâu, nó có thể coi là cây “ăn” thuốc sâu lớn nhất trong ngành sản xuất nông nghiệp.
Mark Kastel- cựu Giám đốc điều hành của một doanh nghiệp nông nghiệp, Giám đốc Viện Cornucopia chuyên nghiên cứu chính sách nông nghiệp, đã thú nhận gia đình mình chỉ dùng các thực phẩm hữu cơ. Bởi ông lo ngại về việc sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất táo, lê, kể cả khi người tiêu dùng ngâm, rửa hay gọt vỏ cũng không loại trừ được lượng lớn thuốc trừ sâu đã ngấm vào quả táo.
Cà chua đóng hộp
Tiến sĩ Fredrick vom Saal, một bác sĩ nội tiết tại Đại học Missouri, Mỹ nói rằng không bao giờ chạm vào các lon cà chua đóng hộp. Theo ông, độ chua của cà chua sẽ nhiễm chất bisphenol A hay còn gọi là BPA ở lớp tráng của lon.
Chỉ một vài lon cà chua cũng đủ ảnh hưởng tới sức khỏe. Chất BPA thường sử dụng trong các sản phẩm nhựa, nếu phơi nhiễm hóa chất này có thể gây vô sinh ở nam giới, rối loạn tế bào trứng, gây bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường….
Bỏng ngô đóng túi
Nói về bỏng ngô thì vấn đề lại nằm ở chỗ túi nổ bỏng ngô trong lò vi sóng cực kỳ độc hại. Lớp lót của chúng là một lớp hóa chất dưới tác động của nhiệt sẽ tạo nên chất axit perfluorooctanoic khi chúng ta ăn bỏng ngô, chất này có khả năng gây vô sinh, ung thư gan, tinh hoàn và tuyến tụy. Các nhà nghiên cứu về khoa học môi trường không bao giờ dùng những sản phẩm này.
Cá hồi nuôi
Tiến sĩ David Carpenter- Giám đốc Viện y tế và môi trường thuộc Đại học Albany nghiên cứu về ô nhiễm ở các hồ nuôi cá cho biết, việc nuôi cá công nghiệp sử dụng các thức ăn công nghiệp như chất độn chuồng gia cầm, kết hợp với các loại kháng sinh đã cho ra các sản phẩm cá đầy những hóa chất trong đó có các chất gây ung thư.
Một thông tin khiến bất cứ người tiêu dùng nào giật mình, đó là họ có khả năng bị ung thư chỉ sau 2 bữa ăn cá hồi nuôi ở những nơi ô nhiễm như vậy. Người ta đã tìm thấy hàng loạt các hóa chất trong cá hồi bao gồm chất PCBs, thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh, DDT…
Khoai tây
Khoai tây là một trong những thực phẩm “ngậm’ nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu nhất. Chủ tịch Hội đồng tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia, Giám đốc Viện Rodale, Mỹ, ông Jeffrey Moyer chia sẻ, những người trồng khoai tây nói rằng: “họ sẽ không bao giờ ăn khoai tây mà họ bán, họ có lô trồng khoai tây riêng không phun các chất hóa học để ăn”. Khoai tây là thực phẩm thường được phun thuốc trong 3 thời kỳ bao gồm các loại thuốc diệt nấm, thuốc diệt cỏ …
Nhiều người thường nghĩ rằng, khoai tây phát triển dưới lòng đất sẽ không bị các hóa chất tác động, nhưng thực tế là khoai tây không được phun trực tiếp, thay vào đó người ta đưa hóa chất vào nước và đất, nó cũng tích tụ dần trong mỗi củ khoai, mà không thể gọt hay rửa hết được.
Thịt bò
Việc nuôi bò bằng thức ăn công nghiệp giúp cho bò phát triển nhanh hơn, giá thành rẻ hơn nuôi bằng cỏ. Tuy nhiên chính cách nuôi công nghiệp này lại cho ra các sản phẩm đầy rẫy những nguy cơ gây bệnh cho con người. Theo các nhà chăn nuôi, dạ dày bò có cấu tạo nhiều ngăn, để thích hợp với việc ăn cỏ, chứ chưa bao giờ phù hợp để ăn các loại ngũ cốc, hay thức ăn công nghiệp.
Nhưng bằng cách này, người ta có thể vỗ béo cho các chú bò nhanh hơn và nhanh xuất chuồng hơn. Hành động này đồng nghĩa với việc làm cho bò thiếu thích ứng với tiêu hóa tự nhiên, dễ mắc bệnh hơn. Thậm chí người ta cho rằng thịt bò thành phẩm dễ nhiễm vi khuẩn hơn bò nuôi tự nhiên.
Ngoài ra bò thường được nuôi bằng các loại hormone tăng trưởng nhằm thúc đẩy sự chuyển hóa thức ăn thành thịt, rút ngắn được thời gian sản xuất, giảm lượng mỡ, tăng lượng thịt. Những người chăn nuôi không chỉ trộn hormone vào thức ăn mà còn cấy trực tiếp vào cơ thể của con vật, khi xuất chuồng người ta phải loại bỏ những phẫn thịt tiếp xúc trực tiếp với hormone để không gây hại cho con người.
Sữa
Nói đến sữa là nói đến việc nuôi bò sữa bằng các loại hormone tăng trưởng nhân tạo ngay từ khi bắt đầu quá trình nuôi bê. Những cuộc khảo sát về hormone trong sữa khiến người tiêu dùng giật mình, sữa từ một nguồn dinh dưỡng quý giá nay lại khiến cho trẻ em uống sữa dậy thì sớm hơn, do tác dụng của các hormone tăng trưởng được tiêm vào bầu vú bò để kích thích tạo sữa.
Sử dụng sữa có hormone tăng trưởng có nguy cơ bị các bệnh liên quan tới ung thư vú, tuyến tiền liệt, ung thư ruột kết…., gây ra nhiều vấn đề sinh sản ở nữ, vô sinh ở nam giới….
Hiện việc sử dụng các hormone tăng trưởng đang bị cấm ở nhiều nước trên thế giới hay hạn chế sử dụng trên những con vật nuôi còn nhỏ….
Theo FHFN