Y tế - Sức khỏe

Không để dịch sốt xuất huyết bùng phát

07:41, 07/07/2010 (GMT+7)

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009. Cho đến nay, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn rình rập, trong thời điểm thời tiết bắt đầu xuất hiện những cơn mưa trái mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát sinh ở nhiều khu dân cư.

Chưa có tử vong

Bệnh nhân SXH với vết ban đỏ nổi trên da. 

Trong 2 tháng đầu năm 2010, một số bệnh viện tuyến quận, huyện trở nên quá tải do lượng bệnh nhân SXH đông. Trong đó, xuất hiện ngày càng nhiều bệnh nhân ở độ tuổi trưởng thành. Đây là điều đáng chú ý so với thời gian trước. Ở thời điểm tháng 4 và tháng 5, số bệnh nhân mắc mới tại các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu giảm mạnh, nhưng số lượng hơn 1.000 ca bệnh trong 6 tháng đầu năm là một con số kỷ lục ghi nhận trong vòng 5 năm trở lại đây.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, các cán bộ dịch tễ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các Đội Y tế dự phòng quận, huyện tiến hành xử lý, phun hóa chất xử lý hơn 50 ổ dịch nhỏ, xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương. Trong đó, một số phường như Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) và Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu) là những điểm nóng thường xuyên xuất hiện các ổ dịch SXH trong các khu dân cư.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Nam Anh, Trưởng khoa Lây Bệnh viện Đà Nẵng, hầu hết trường hợp đưa vào bệnh viện điều trị là bệnh nặng với SXH độ 2 và 3. Đa số bệnh nhân da bị nổi ban đỏ đậm, niêm mạc răng miệng chảy máu, bệnh nhân thường bị choáng và phải truyền dịch. Một số ca bệnh nặng phải chuyển vào điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu.

Ở  Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Giao thông 5 và một số bệnh viện tư nhân cũng thường xuyên tiếp nhận cấp cứu và điều trị những bệnh nhân mắc SXH. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, do đẩy mạnh công tác dự phòng, tuyên truyền và nỗ lực của các bác sĩ điều trị nên tất cả những trường hợp mắc bệnh đã đến khám, theo dõi điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đây là điều đáng mừng, bởi theo các nhà nghiên cứu về bệnh SXH, trong hai năm 2009 và 2010, tỷ lệ mắc các bệnh nặng, biến chứng gây tử vong ngày càng nhiều hơn. Nhiều nhất là ở các tỉnh phía Nam.

Tăng cường xử lý môi trường

Trong số hơn 1.000 ca SXH ghi nhận trong 6 tháng đầu năm,  quận Hải Châu có 267 ca, Thanh Khê 225 ca, Liên Chiểu 164 ca, Sơn Trà 137 ca, Ngũ Hành Sơn 90 ca, Cẩm Lệ 80 ca và huyện Hòa Vang 42 ca. Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng thành phố 

Để hạn chế lượng muỗi gây bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của các thí sinh tập trung đến thành phố Đà Nẵng thi đại học, trong những ngày qua, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã chủ động phối hợp với Đội Y tế dự phòng các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà tổ chức phun thuốc xử lý môi trường tại các điểm thi và ký túc xá nơi các thí sinh ở trọ.

Hiện tại, trung bình mỗi tuần toàn thành phố ghi nhận từ 20 đến 30 ca SXH mới. Đây là con số không cao, nhưng khả năng bùng phát dịch vẫn rất lớn. Do vậy, Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh cảnh báo, tuy đây là thời điểm mùa hè nhưng sự xuất hiện của những cơn mưa trái mùa sẽ làm cho muỗi gây bệnh phát sinh tại các khu dân cư nhiều hơn. “Để dịch “hạ nhiệt” trong mùa mưa, chúng tôi sẽ tổ chức một chiến dịch phun thuốc xử lý môi trường quy mô lớn tại hàng trăm tổ dân phố đã xuất hiện lặp đi, lặp lại các ổ dịch. Đây là chiến dịch lớn, do vậy, nguồn hóa chất do Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ, còn kinh phí thuê nhân công trực tiếp phun sẽ do ngành Y tế chi trả” - Thạc sĩ Thạnh chia sẻ. Trung tâm cũng sẽ cử cán bộ giám sát lượng muỗi hằng tuần tại các khu dân cư xuất hiện nhiều ổ dịch để chủ động công tác dự phòng.

Có thể thấy, chu kỳ từ 3 đến 5 năm, dịch SXH tăng mạnh một lần đang bắt đầu xuất hiện tại thành phố Đà Nẵng. Trong khi cơ quan chức năng đang dốc hết lực để ngăn chặn, dập dịch ngay từ các tổ dân phố, khu dân cư thì người dân cũng cần chung tay ý thức bảo vệ sức khỏe của gia đình mình. Để phòng tránh bệnh SXH, người dân tự làm sạch môi trường sống, không để những ao tù, nước đọng, rác, cỏ cây mọc um tùm gần nhà. Bởi, đây chính là nơi muỗi sinh sống và gây bệnh cho con người.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

.