Y tế - Sức khỏe
Dậy thì muộn
Một cô gái “hợp quy luật” tự nhiên là khi đến tuổi dậy thì phải có “ngày con gái’ theo như cách nói tế nhị của nhiều người. Về mặt y học, đó chính là việc hành kinh mỗi tháng. Lần đầu tiên thấy kinh là cột mốc chắc chắn của tuổi dậy thì. Khoảng dao động của tuổi dậy thì rất thay đổi, sớm là 9 tuổi, muộn là 17 tuổi.
Theo nhà nghiên cứu Wilkins (Anh quốc), tuổi dậy thì trung bình là 12. Dân gian ta có câu: “Nữ thập tam, nam thập lục” (tức con gái 13 tuổi, con trai 16 tuổi) để chỉ tuổi dậy thì. Các nghiên cứu cho thấy, tuổi dậy thì còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác như hoàn cảnh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần... Thiếu nữ ở thành thị dậy thì sớm hơn ở nông thôn, lao động nhẹ dậy thì sớm hơn lao động cực nhọc...
Gọi là dậy thì muộn khi đến tuổi 18 mà vẫn cứ “im re”. Nếu cơ thể vẫn phát triển bình thường mà không có kinh thì có khả năng mắc một số bệnh như lao sinh dục, nhiễm trùng đường sinh dục, suy tuyến sinh dục, dị tật bẩm sinh ở đường sinh dục (như dị tật tử cung, buồng trứng, màng bịt âm đạo...).
Các trường hợp đã đến tuổi dậy thì mà vẫn như... con trai, nghĩa là chưa thấy có kinh nguyệt cứ phải “bình tĩnh” chờ đợi. Nếu qua tuổi 17 mà vẫn thấy chưa “hợp quy luật” thì cần đưa đi khám chuyên khoa phụ sản tại bệnh viện. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ xác định nguyên nhân và có hướng điều trị.
Thạc sĩ y học MAI HỮU PHƯỚC