Các trạm thu - phát sóng thông tin di động (BTS) thân thiện môi trường thay thế các trạm ăng-ten (antenna) cổ điển cao từ 30-80m được triển khai thí điểm, khuyến khích xây dựng và nhân rộng từ năm 2011. Nhưng đến nay, vẫn tồn tại gần 1.000 trạm antenna cồng kềnh, gây lo lắng cho người dân thành phố.
Một trạm BTS thân thiện môi trường có hình dạng bồn nước được mạng Mobifone lắp đặt trên nóc nhà dân. |
Trước đây, với số lượng thuê bao di động khá lớn, các nhà mạng xây dựng trạm BTS khá dày đặc với 1.686 trạm BTS của mạng 2G và 3G tại 950 vị trí. Do giữa các nhà mạng cạnh tranh gay gắt, rất cần phủ sóng rộng để phát triển thuê bao nên việc xây dựng các trạm BTS dạng antenna có chiều cao lớn được xem là tối ưu lại ảnh hưởng đến cảnh quan, dễ bị gãy đổ ở địa bàn thường xuyên có mưa bão, đặc biệt là sự phản ứng của người dân ở xung quanh vị trí đặt trạm.
Năm 2011, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông, phục vụ thông tin liên lạc, đồng thời vẫn bảo đảm cảnh quan môi trường đô thị, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng phối hợp với Sở Xây dựng và một số doanh nghiệp viễn thông (Mobifone, Vinaphone, Viettel) thiết kế, lắp đặt thành công 3 trạm BTS thân thiện môi trường dạng không trụ antenna hoặc xây dựng trụ antenna dạng trang trí.
Từ thử nghiệm thành công bước đầu, cuối năm 2011, UBND thành phố đã phê duyệt cho triển khai rộng rãi 4 mẫu trạm BTS thân thiện môi trường đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông đã cung cấp mẫu thiết kế cho các doanh nghiệp viễn thông để áp dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố.
Cuối năm 2013, UBND thành phố phê duyệt thêm 2 mẫu trạm BTS thân thiện môi trường để sử dụng rộng rãi, thay thế dần trạm BTS có cột ăng-ten cồng kềnh. Đến thời điểm đó, các doanh nghiệp viễn thông đã lắp đặt 72 trạm BTS thân thiện môi trường và 108 trạm BTS dùng chung hạ tầng trụ antenna, chiếm 17% tổng số trạm BTS trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, thành phố cũng có kế hoạch tăng cường tỷ lệ trên vào năm 2014 là 20% và vào năm 2015 là 25%.
Trạm BTS thân thiện môi trường không gặp phản ứng của người dân khi lắp trạm, đồng thời ít bị ảnh hưởng do thời tiết xấu so với các trạm antenna cao cồng kềnh vì có độ cao thấp hơn. Tuy nhiên, chi phí trang thiết bị loại trạm BTS đặc thù này cao hơn khoảng 50%; quá trình vận hành khai thác mạng, việc hiệu chỉnh góc hướng và các tham số cơ điện cũng phức tạp hơn antenna kiểu cũ. Vì thế, việc phát triển các trạm BTS thân thiện môi trường thay thế các trạm BTS gặp không ít khó khăn.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Hiện đã triển khai được hơn 110 trạm BTS thân thiện môi trường trên tổng số 1.075 trạm BTS. Từ nay, các trạm BTS phát triển mới tại khu vực nội thành đều phải sử dụng trạm BTS thân thiện môi trường, bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng mỹ quan đô thị và hạn chế được khiếu kiện lẫn sự lo lắng của người dân. Bên cạnh đó, khi lắp đặt loại trạm BTS thân thiện môi trường này, các doanh nghiệp viễn thông sẽ không phải làm thủ tục cấp phép. Những năm qua, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã học hỏi và triển khai. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa vào thông tư quy định liên quan đến trạm BTS”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP