.
Chuyện tổ, chuyện thôn

"4 không, 4 nên" ở Chính Gián

.

Từ nội dung bao quát của Chỉ thị 43-CT/TU về thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của địa phương đã xây dựng những mô hình để cụ thể hóa từng nội dung phù hợp với điều kiện địa bàn.

Ông Võ Văn Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián, quận Thanh Khê cho biết, toàn phường có 26 khu dân cư (KDC) với 155 tổ dân phố. Có nhiều địa bàn dân cư từng là điểm “nóng” về môi trường, có nhiều tuyến đường đi lại, đường sắt Bắc - Nam chạy qua; thành phần cư dân chủ yếu là lao động phổ thông, dịch vụ nhỏ. Ý thức của người dân nhìn chung chưa cao trong công tác bảo vệ môi trường.

Những thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng vẫn diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, vấn đề cúng bái nhiều nơi vẫn gây tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa KDC. Trước thực tế đó, cần nhanh chóng xây dựng một mô hình hiệu quả để xóa bỏ những tồn tại nói trên, làm môi trường trong sạch, nâng cao đời sống của người dân. Từ đó, mô hình “4 không, 4 nên” - sáng kiến của ông Đoàn đã ra đời.

“4 không” gồm: không đổ nước thải ra đường, kiệt, hẻm (từng hộ dân phải có hệ thống thoát nước thải ra cống rãnh); không vứt rác bừa bãi trên đường (thực hiện văn minh bỏ rác đúng nơi quy định); không đốt vàng mã khi không có thùng và không vãi gạo, muối ra đường khi cúng giỗ; không để vật nuôi phóng uế bừa bãi trong KDC.

“4 nên” gồm: nên đổ rác đúng thời gian và địa điểm quy định; nên thường xuyên, tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường; nên tận dụng diện tích đất, không gian để trồng cây xanh; nên thể hiện sự không đồng tình đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường. Sau khi mô hình triển khai đến tận 26 KDC, những nội dung của mô hình đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện khá triệt để.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Bí thư Chi bộ 22 phường Chính Gián, khi triển khai mô hình “4 không, 4 nên” ở KDC 22, ban đầu còn gặp nhiều khó khăn vì người dân không dễ thay đổi nếp nghĩ, thói quen cũ. Do đó, chi bộ, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể cùng tổ trưởng tổ dân phố phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhiều lần, thường xuyên.

Trong các cuộc họp tại KDC đều lồng ghép các nội dung tuyên truyền đến từng hộ dân theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước, nghiêm túc chấp hành. Từ đó, việc vận động người dân mới mong hiệu quả. “Một thời gian sau khi triển khai mô hình, hầu hết các hộ dân KDC do tôi quản lý đã nghiêm túc thực hiện.

Từ một điểm “nóng” về môi trường, sau khi mô hình được “thí điểm”, từng hộ dân và mỗi người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen về bảo vệ môi trường. Tình trạng ngập úng, ô nhiễm dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua KDC được giải quyết dứt điểm. Dọc đường Thái Thị Bôi, hai bên đường đều có thùng đựng rác thải sinh hoạt để người dân tự ý bỏ vào thùng, giữ gìn vệ sinh chung”, bà Phụng cho hay.

Cũng theo bà Phụng, việc xây dựng mô hình để triển khai thực hiện trong các KDC nói chung và KDC 22 nói riêng thực chất cũng là một hình thức thu nhỏ việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.

TR.H

;
.
.
.
.
.