Khu dân cư Đa Phước 2 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) nhiều năm qua hễ mưa là ngập úng kéo dài. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư, nâng cấp nhưng tình trạng ngập úng gây xuống cấp nhanh. Đến nay, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, khiến ô nhiễm môi trường; ruồi, muỗi sinh sôi, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người dân.
Khu vực Đa Phước 2 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) có nguy cơ ngập cục bộ mỗi khi trời mưa. Ảnh: TRỌNG HUY |
Một số hộ dân sống trong khu Đa Phước 2 cho biết, đường kiệt dẫn vào khu dân cư nhỏ, lại có nhiều khúc cua. Trong khi hệ thống đường bê-tông quá nhỏ, bị xuống cấp, gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại, nhất là vào mùa mưa bão. “Cứ mưa là ngập và hàng giờ đồng hồ sau nước mới rút hết. Tình trạng ngập diễn ra rất nhanh do khu vực này nằm sát núi, tất cả nước tuồn về đổ hết vào khu vực này”, ông Hòa, một hộ dân cho biết.
Theo ông Phan Văn Đại, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc, khu vực Đa Phước 2 vốn là vùng thấp trũng, nên khi có mưa sẽ gây ngập cục bộ. Nhiều năm qua, phường và quận thường xuyên quan tâm đến công tác nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng gồm đường đi, cống thoát nước cho khu vực này nhưng rất khó giải quyết dứt điểm tình trạng ngập cục bộ. Người dân đành phải “sống chung với ngập”. Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, chỉ có thể giải tỏa toàn bộ các hộ dân ở đây rồi nâng cốt nền toàn khu vực lên cao thì mới xử lý triệt để nhưng điều này rất khó.
Được biết, khu vực Đa Phước 2 trước đây là khu vực đất nông nghiệp thấp trũng, lân cận phía tây dự án Khu phố Hòa Khánh, nay đã được quy hoạch giữ lại chỉnh trang thuộc đồ án Khu dân cư số 1 bắc Ga đường sắt. Nguyên nhân ngập úng một phần do người dân tự lấn chiếm xây dựng nhà trái phép trên khu vực đất nông nghiệp trước đây.
Trước thực trạng trên, UBND thành phố đã giao UBND quận Liên Chiểu chủ trì, phối hợp với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, các cơ quan chức năng chỉ đạo UBND phường Hòa Khánh Bắc, các đơn vị chức năng trực thuộc xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên khu vực đất nông nghiệp; tuyên truyền và vận động người dân ra quân khơi thông dòng chảy bảo đảm thoát nước; đồng thời tiến hành rà soát, có kế hoạch đầu tư xây dựng đường bê-tông, mương thoát nước nội bộ nhằm bảo đảm thoát nước, vệ sinh môi trường tại khu vực.
TRỌNG HUY